Nếu hỏi người Do Thái : Điều gì là cái quan trọng nhất của con người ?
Họ nhất định sẽ trả lời rằng: Trí tuệ
Chúng ta đều thấy rằng, không phải tự nhiên người Do Thái lại được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới. Họ có thể tồn tại bằng trí tuệ độc đáo và tinh thần kiên cường trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Trong cuốn sách ” Tinh hoa trí tuệ Do Thái – Từ Quang Á” tác giả đã đưa ra những điều tinh hoa nhất của trí tuệ Do Thái.
Trong cuốn sách này tôi rất tâm đắc với câu ” Trí tuệ quan trọng hơn tri thức ”
Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn cho rằng tri thức và trí tuệ là một và không quan tâm đến khái niệm về chúng. Nhưng sau khi đọc cuốn sách này tôi đã có suy nghĩ khác, tôi đã giật mình và phải ngẫm lại khi đọc được câu ” Trí tuệ quan trọng hơn tri thức ” . Tôi luôn cho rằng trí tuệ và tri thức là những kiến thức mình học được từ nhà trường, sách vở. Vì vậy, tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức thật tốt, cố gắng đạt thật nhiều thành tích trên ghế nhà trường, cố gắng học tập sao cho kết quả tốt và luôn cho rằng như vậy mình là người có trí tuệ. Tuy nhiên tôi đã lầm, tất cả những gì tôi học được chỉ là ” tri thức chết” tôi chưa bao giờ quan sát và suy nghĩ về nó, tôi chỉ biết học và tiếp thu kiến thức mà chưa biết vận dụng và ứng biến nó như thế nào trong cuộc sống, không biết nên vận dụng những kiến thức ấy vào đâu và vào trường hợp nào là hợp lý. Tất cả những kiến thức mà tôi học được chỉ là một đống kiến thức trên sách vở là tri thức “chết” mà không áp dụng để mang lại được lợi ích. Giờ tôi hiểu tại sao lúc nào cũng cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Trước giờ tôi luôn cho rằng mình theo đuổi trí tuệ, hóa ra chỉ là mầy mò tri thức mà thôi
Vậy trí tuệ là gì? Được bắt nguồn từ đâu?
Theo kinh nghiệm của người Do Thái, trí tuệ được bắt nguồn từ học tập, quan sát và suy nghĩ. Học tập là điều kiện đầu tiên để có trí tuệ. Sách là công cụ chuyền tải kiến thức, là kho tri thức mới, làm phong phú đầu óc và khơi gợi tư duy. Học tập cũng cần phải tìm tài liệu học phù hợp, không được mù quáng, phải có trọng điểm, không theo chủ nghĩa bình quân, học hỏi từ người khác .
Sau khi học tập , chỉ khi chúng ta dùng tri thức để quan sát thế giới và phân tích về nó thì nó mới là tri thức ” sống “. Quan sát là 1 bước quan trọng trong việc học cách sử dụng tri thức hiệu quả.
“Suy nghĩ” không chỉ đơn thuần chỉ là sự lý giải tri thức mà nó còn là cách vận dụng, phản ứng của những gì chúng ta học được với hoàn cảnh, sự biến đổi.
Như vậy, để có được trí tuệ chúng ta cần phải vận dụng được 3 điều : học tập, quan sát và suy nghĩ. nếu không tất cả những gì ta học được chỉ là tri thức chết
” Trí tuệ kiếm được tiền thì mới thực sự là trí tuệ, nếu không chỉ là con lừa cõng nhiều sách vở mà thôi ”
Ngoài ra, khi đọc cuốn sách này chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan, nó không phải đúng hoàn toàn vì mỗi dân tộc , quốc gia đều có văn hóa và phong tục riêng.