“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật lâu…”
Bạn đang cảm thấy cuộc sống này quá nhàm chán, hãy vẫn còn bỡ ngỡ, hoay hoay tìm cho bản thân mình lối đi riêng? Vậy thì hãy tìm đọc ngay cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, cuốn sách này sẽ đưa bạn đến những cung bậc cảm xúc, những không gian tưởng chừng như không thể quay trở về, vừa giản dị, hoài niệm nhưng rất chân thành, sâu sắc. Từng câu từng chữ trong cuốn tản văn này tựa như giọt nước thanh mát rửa đi những vết bụi, nó như lời tâm sự nhẹ nhàng nhưng cực thấm thía.
Tác giả “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là ai?
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là cuốn sách rất nổi tiếng, được nhiều bạn đọc yêu thích của tác giả Phạm Lữ Ân. Nhiều bạn chắc hẳn rất ngạc nhiên bởi vì Phạm Lữ Ân vốn không phải cái tên của tác giả cuốn sách. Tuy nhiên cái tên này đặc biệt ở chỗ nó chính là bút danh của vợ chồng tác giả, Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy.
Phạm Lữ Ân là cây bút quen thuộc với những bài viết cảm thức trên báo Hoa học trò. Giới trẻ đã quen với tên tác giả từ những trang viết tận sâu tâm khảm và trở thành đường hướng cho những trái tim nô nức, lắm bồi hồi, nhiều trăn trở nhưng rồi cũng được xoa dịu, dẫn lối. Họ đã để lại tiếng vang lớn trong giới trẻ với nhiều tác phẩm đặc sắc như: Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi, Làm ơn hãy để con yên, Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Những lối về tuổi thơ…
Nếu bạn đã từng đọc truyện của Phạm Lữ Ân chắc hẳn đều sẽ cảm nhận được sự mộc mạc, chân thành, giản dị, thấm nhuần qua từng câu chữ họ viết ra.
Sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” được xuất bản lần đầu vào năm 2011. Ngay sau đó thì cuốn sách đã trở nên nổi tiếng bởi lời lẽ chân tâm, thực ý. Với sức hút của mình “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” hiện đang là cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam với số lần tái bản lên tới 26 lần cả bìa cứng và bìa mềm. Cho tới bây giờ thì nó vẫn chưa có dấu hiệu lỗi thời, từ người trẻ cho tới người già đều tự tìm thấy, chiêm nghiệm những điều trong quá khứ, hiện tại thật giản dị, sâu sắc.
Những vấn đề tác giả khai thác trong quyển sách này chủ yếu là những câu chuyện bình thường, gần gũi tuy nhiên dưới góc nhìn mới lạ thì những câu chuyện ấy lại trở nên vô cùng lôi cuốn, sâu sắc, thu hút người đọc.
Trong cuốn tản văn này, Phạm Lữ Ân hướng ngòi bút của mình với những vấn đề trăn trở thường nhật của lứa tuổi teen, những con người đầy hăng hái nhưng cũng đầy lo toan, nghi ngại về tương lai của mình.
Cuốn sách này dành cho ai?
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là cuốn sách vô cùng thích hợp dành cho những người đang bị mất phương hướng trong cuộc sống, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Bởi đây là quyển sách của những người từng trải viết bởi thế sẽ giúp bạn có cho mình cái nhìn lạc quan đồng thời xác định hướng đi đúng đắn, rõ ràng cho cuộc đời mình.
Nội dung chính cuốn sách
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” sẽ đưa bạn tới nhiều cung bậc cảm xúc, vừa chân thành giản dị, vừa hoài niệm, sâu sắc, quyển sách này cứ thế cuốn chúng ta đi một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Chỉ cần những câu từ giản dị, chẳng cần đao to búa lớn mà tác giả đã khiến chúng ta trở về hoài niệm với hồi ức của riêng mình.
Chương đầu tiên của cuốn sách này có tiêu đề là “Ai qua là chốn bao xa”, nói về gia đinh, về khái niệm “nhà” là nơi mà ai cũng muốn quay về sau những lo toan cuộc sống, những khó khăn, vấp ngã. Qua đó, tác giả muốn nhắn nhủ cho chúng ta một điều rằng hãy luôn yêu thương gia đình mình, đừng để đến khi đánh mất rồi mới trân trọng, yêu thương.
Cuốn sách này còn có những mẩu truyện ngắn nói về tình yêu tuổi trẻ, những tổn thương hay những rung động của tình đầu ngây dại. Qua những câu chuyện ấy, bạn có thể bắt gặp bản thân mình trong đó, điều đó khiến bạn phải dừng lại chiêm nghiệm, suy ngẫm về tất cả những gì bản thân mình đã làm.
Cảm nhận về cuốn sách
Giọng văn được viết nhẹ nhàng, như những lời tâm sự gần gũi, thân mật giữa những người bạn. Tác giả đã tinh tế chia sẻ những câu chuyện ngắn đi thẳng vào nội tâm người đọc. Mặc dù cuốn sách này mang tới cho người đọc nhiều bài học ý nghĩa, sâu sắc thế nhưng không hề mang cảm giác gò bó hay ép buộc người đọc vào khuôn khổ nào.
Có thể nói rằng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” như một người bạn tâm tình, thấu hiểu hết những tâm tư thầm lặng của bạn trẻ, những người mang trong mình những hoài bão lớn lao, nhiệt huyết cháy bỏng.
Với những chủ đề rất gần gũi, chắc hẳn đâu đó chúng ta sẽ bắt gặp chính mình trong câu chuyện. Cuộc sống hiện đại nhiều bộn bề, hối hả đã kéo chúng ta vội vã trong mọi thứ và trong đó có cả sự yêu thương. Cuốn sách này đã đưa người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc, đến nhiều không gian. Nếu có thể bạn hãy tìm đọc ngay cuốn sách này ít nhất 1 lần trong đời để nhận ra hết những ý nghĩa mà cuốn sách mang tới.
Những bài học sâu sắc về cuộc sống của cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”
Khái niệm, ý nghĩ của “nhà” – sư bình yên hay nỗi bất hạnh?
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi nhưng hàm nghĩa nó chứa đựng rất mênh mông. Đối với người này “nhà” là nỗi buồn ở trong căn biệt thự vắng người thế nhưng lại đầy tiếng cãi vã khi có người. Thế nhưng với người khác thì đó là nơi tràn ngập sự ấm áp, bình yên, luôn khát khao được trở về. Chắc hẳn ai cũng mong muốn nhà là nơi gắn với sự yên bình thế nhưng sự bình yên đó không có sẵn mà do chính từng cá nhân trong ngôi nhà đó thiết lập.
Qua đó, tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc hãy biết yêu thương, trân trọng gia đình mình, đừng để khi họ đi đến nơi xa mới biết yêu thương.
Chúng ta sinh ra với giá trị có sẵn
Những giá trị có sẵn trong bản thân mỗi chúng ta, chính bản thân mình là cơ sở để xây dựng lòng tin. Bạn cũng sẽ biết tôn trọng người khác khi thực sự tự tin. Bởi nếu như bạn hiểu được giá trị của mình thì với mỗi người bạn gặp chắc chắn bạn sẽ hiểu giá trị của họ. Bạn sẽ trân trọng những người đó như nhau.
Những bài học về tình yêu
Trong cuốn sách này, có những câu chuyện về tình yêu, những vết thương hay những rung động của mối tình đầu đời. Tác giả thông qua đây muốn nhắn gửi cho người đọc rằng đừng lãng phí tuổi thanh xuân của mình chỉ để chờ đợi một người. Trong đời người thì tuổi thanh xuân là giai đoạn đẹp nhất, nó đến nhanh và cũng qua nhanh bởi nên đừng chờ đợi mãi một người không thích mình mà bỏ lỡ đi những cơ hội khác trong đời.
“Mọi vật đều có thời điểm của nó. Em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động”.
Cảm nhận bằng cả trái tim
Chúng ta vẫn thường nghe một người hào phóng phán xét người khác là keo kiệt và người tằn tiện phán xét người khác là hoang phí… Mỗi ngày chúng ta đều nghe những điều đó, đến khi mệt mỏi mới nhận nhận ra cần phớt lờ những lời nói từ người khác.
Mỗi người sẽ có cuộc đời khác nhau, không thể bắt ai làm theo ý mình. Con người chúng ta sinh ra với tài năng, ngoại hình tới tính cách,… không như bản thân mình muốn. Thế nhưng chúng ta có cơ hội làm điều mình muốn, được làm chính mình. Bởi thế đừng cứ xoay theo những ồn ào mà hãy lắng nghe những lời thủ thỉ từ trái tim mình.
Sự hữu hạn của cảm xúc
Đôi khi chúng ta nghĩ tình cảm của mình là vĩnh cửu. Chúng ta thích một bộ phim và khi xem hết chúng ta nghĩ nó là kiệt tác bất hủ, khi nghe một bài nhạc hay thì nghĩ rằng bài hát đó là hay nhất trong số những bài mình từng nghe. Hay khi ta yêu một người, ta yêu họ đến mức nghĩ người đó là duy nhất. Thế nhưng chính sự tuyến tính của thời gian khiến ta càng thấm thía những xúc cảm khó phai mờ. Cuốn sách này mang tới cho độc giả những góc nhìn chưa cũ bao giờ. Tình cảm con người giới hạn, phải biết cách nuôi cảm xúc nếu muốn giữ được cảm xúc.
Cái “Tuổi biết buồn”
Tác giả gọi tuổi mới lớn là “tuổi biết buồn”, biết buồn tức là khi bạn cảm nhận trong tâm hồn hiện diện những khoảng trống. Lúc ấy trong chúng ta sẽ xuất hiện cái thứ gọi là cô độc, cô đơn.
Lúc ấy, điều cần làm đó là tạo cho nó một khoảng trống tạo dựng một căn phòng trong ngôi nhà tâm hồn. Chúng ta sẽ khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng, để rồi chúng ta bình thản trở về cuộc sống thường nhật, dù có nhiều nỗi buồn nhưng cũng không thiếu những niềm vui.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn….
Nhiều người có quan niệm rằng sự thụ hưởng là điều sai trái, là một việc đáng thất vọng, là đường đưa đến sự vấp ngã. Sự thụ hưởng không hề xấu xa như vậy, ngược lại sai lầm là ở chỗ ta ít khi thực sự biết thụ hưởng và đắm chìm trong ảo giác. Thật sự hưởng thụ là bồi đắp, bảo vệ, giữ gìn… kể cả chính mình.
Nhiều người cho rằng cần có nhiều tiền thì mới có thể thật sự hưởng thụ thế nhưng có tiền bạn sẽ sở hữu nhiều thứ, sở hữu không có nghĩa là biết thụ hưởng và nếu chỉ sở hữu thì đâu có hạnh phúc. Chúng ta cứ ngỡ đang hưởng thụ mà thực ra chỉ là sở hữu, đó chính là ảo giác. Bạn sẽ thấy mình sống rất sâu nếu thực sự biết hưởng thụ.
Những câu nói sâu sắc, đáng nhớ trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”
- “Cái ác cũng như sự chết, vẫn diễn ra rải rác khắp nơi, ngay lúc này, kể cả khi ta không nhìn thấy nó. Bạn nhìn thấy nó thường xuyên, điều đó chưa chắc có nghĩa là nó nhiều hơn. Bạn không nhìn thấy nó, cũng chưa hẳn là nó đã ít đi. Và giảm thiểu các ác, xoa dịu tổn thương, không chỉ là nghĩa vụ của một đất nước, một thế hệ, một nền giáo dục riêng lẻ mà mãi mãi là vấn đề của toàn nhân loại, và đồng thời của từng con người một, trong từng giây ta sống.”
- “Điều ta làm hôm nay, ngay lúc này, hoàn toàn có thể trở thành lá phiếu quyết định.”
- “Tại sao tôi phải trì hoãn ước mơ chỉ vì sợ người khác đánh giá sai về mình? Sao tôi phải sống theo tiêu chuẩn của người khác?”
- “Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa phải là “kết cục có hậu” của một đời người. Yêu, mới chỉ là một nửa chặng đường dài mà thôi.”
- “Bạn hỏi rằng vì sao để biết mình đã trưởng thành hay chưa ư? Tôi sẽ nói bạn nghe điều tôi nghĩ: Bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời.”
- “Chúng ta không biết cuộc tranh đua sẽ kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn ở đó mỗi lá phiếu đều được tính. Giọt nước mắt và nụ cười của ta được tính. Sự phẫn nộ hay thờ ơ của ta được tính. Mỗi hành vi của ta đều được tính.”
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – cuốn sách chưa tới 300 trang thế nhưng mỗi mẩu chuyện để lại cho ta bao bài học, chiêm nghiệm đáng nhớ. Cuốn sách này giúp ta hiểu được rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, hãy bước chậm để cảm nhận từng bước chân mình đi, tận hưởng từng khoảnh khắc cuộc sống. Hãy đọc cuốn sách này để tạo cho mình một khoảng lặng riêng, định hướng con đường mình đi nhé!