Từ xa xưa, trong mỗi câu truyện cổ tích được ông bà, cha mẹ kể lại đều mang tới những ý nghĩa, bài học nhân văn cao cả trong cuộc sống, dạy ta cách là người. Truyện cổ tích Ăn khế trả vàng rất thân thuộc với tất cả trẻ nhỏ Việt Nam, với những ngôn từ hết sức giản dị thế nhưng đầy sức hấp dẫn, in đậm trong lòng người đọc. Và mỗi khi nhớ về chúng ta lại nhớ đến những bài học dạy ta cách đối nhân xử thế trong cuộc sống.
Nội dung truyện cổ tích Cây khế – Ăn khế trả vàng
“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có hai anh em sống với nhau từ nhỏ, người anh nổi tiếng độc tài, tham lam, ích kỷ còn người em thì siêng năng, thật thà, chịu khó. Cha mẹ mất sớm, có để lại cho hai anh em môt gia tài.
Mấy năm sau cả hai anh em đều lấy vợ và không ở chung với nhau được nữa. Người anh đã chia gia tài, vốn tính tham lam nên vơ vét hết nhà cửa ruộng vườn, chỉ chia cho người em một mái nhà gianh và một cây khế ở góc vườn. Người em vốn tính hiền lành nên khi bị người anh chèn ép vẫn chịu đựng mà không than trách điều gì.
Vợ chồng người em cần cù, hiền lành, làm thuê cuốc mướn để kiếm sống. Cây khế được chăm sóc kỹ lưỡng, tưới nước, bón phân nên ngày càng tươi tốt, cành lá sum suê tỏa bóng mát một góc sân.
Mùa hè năm ấy, cây khế ngày càng trĩu quả, những quả khế vàng óng, to năm cánh óng mượt. Vợ chồng người em mừng rỡ vô cùng, tiền bán khế sẽ mua được ít lúa gạo.
Nhưng vào một buổi sáng tinh mơ, bỗng có một con chim ở đâu bay đến ăn khế, chim ăn hết quả này đến quả khác. Vợ chồng người em thấy vậy thì lo lắng và than thở với chim:
- Cơ nghiệp vợ chồng tôi chỉ có ngần ấy! Chim ăn hết thì biết trông cậy vào đâu khi ngày ba, tháng tám!
Kỳ lạ thay, con chim lạ cất tiếng nói:
- Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Người vợ đã may cho chồng một chiếc túi ba gang. Hôm sau, chim giữ đúng lời hứa đến đỗ xuống sân. Người em mang theo túi ba gang và leo lên mình chim, chim chở người em qua những ngọn đồi, cánh đồng xanh bát ngát rồi sải cánh bay ra biển rộng rồi đậu xuống một hòn đảo lấp lánh giữa biển.
Trước mắt người em, một cảnh tượng kỳ lạ hiện ra, cả một kho báu không biết bao nhiêu mà kể. Người em lấy vàng bạc vừa đầy túi ba gang rồi lên lưng chim trở về. Về đến nhà, người em dùng số vàng bạc đó đi đổi lấy thóc lúa và giúp đỡ những người dân trong làng.
Người anh khi thấy người em có nhiều vàng bạc nên nổi lòng tham, lấy nhà cửa ruông vườn của mình để đổi lấy cây khế và mái nhà tranh. Người em tốt bụng, thật thà đã đồng ý đổi cho người anh.
Mùa khế năm sau, câu khế lai sai quả, chim lạ lại đến ăn và cũng cố ý than thở với chim. Chim lại cất tiếng:
- Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Chim đón người anh bay đến hòn đảo vàng bạc, với bản tính tham lam nên người anh đã gom rất nhiều vàng bỏ vào túi sáu gang thay vì ba gang như chim đã dặn.
Trên đường về, vì vàng bạc quá nhiều, chim bay không nổi nên bảo người anh vứt bớt nhưng người anh không chịu, chim đã quá mỏi cánh nên đành nghiêng cánh hất văng người anh tham lam cùng với mớ vàng bạc xuống biển. Thế là người anh tham lam ấy không thể quay về được nữa.”
Ý nghĩa và bài học rút ra từ truyện cổ tích Ăn khế trả vàng
Cốt truyện của “Ăn khế trả vàng” không có gì đặc biệt so với những câu truyện cổ tích khác thế nhưng không bởi thế mà đây là câu chuyện nhàm chán mà ngược lại nó vô cùng hấp dẫn, thành công nhờ truyền tải đến cho người đọc những bài học, tầng ý nghĩa sâu xa không kém tác phẩm kinh điển nào cả.
Suy nghĩ về tình anh em trong gia đình
Các cụ ta có câu: “Anh em như thể tay chân. Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Câu này ý nói anh em trong gia đình phải đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Đừng vì những giá trị vật chất mà đánh mất đi những giá trị thực sự đáng quý của tình anh em.
Truyện cổ tích này nêu lên một hiện thực, người anh vi đồng tiền mà lương tâm bị chi phối, quên đi ca sống chết. Qua đây cũng đã tố cáo một bộ phận con người vì đồng tiền mà quên đi cả tình thân.
Tình anh em cao cả, thiêng liêng mà lại bị xếp sau những giá trị vật chất tầm thường . Bởi thế câu chuyện này cũng khuyên chúng ta đừng vì đồng tiền mà mờ mắt, quên đi tình thân để rồi khi mất đi lại cảm thấy tiếc nuối.
Sự tham lam sẽ giết chết chính mình
Sống trên cuộc đời này, phải hài lòng với những gì ta có, biết thế nào là đủ, đừng tham lam lấy thứ không thuộc về mình. Vì bản tính tham lam, muốn giàu có nhanh chóng nên người anh khi nghe đến ăn khế trả vàng thì đã đổi nhà lấy cây khế và cũng chính vì tính tham lam nên phải nhận kết cục là rơi xuống biển và vĩnh viễn không trở về. Người anh đã có thể sống sót khi chịu bỏ đi một phần tiền vàng nhưng vì tham lam đã đánh đổi cả mạng sống Đây là cái giá quá đắt cho sự ích kỷ, tham lam của mình.
Hình ảnh túi ba gang nó tượng trưng cho sự cân bằng trong cuộc sống, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, chỉ cần có vừa đủ là được.
Sự tham lam, ích kỷ khiến con người ta không còn quan tâm tới những giá trị tinh thần cao cả hay tính toán lâu dài. Bài học rút ra đó là hãy biết vừa đủ, lấy phần mà chúng ta xứng đáng được nhận. Đồng thời phê phán những kẻ tham lam ích kỷ, chỉ muốn nhận mà không cho đi bao giờ, quá tham lam sẽ phải ta cái giá đắt, đúng như câu nói “tham thì thâm”.
Chăm chỉ, siêng năng sẽ có ngày hái quả ngọt
Bằng chứng đó là cây khế của người em, do người em cần cù, chăm chỉ mới ra được trái ngọt. Bởi thế, ở đời này, để có được những điều tốt đẹp thì phải không ngừng nỗ lực cố gắng, chú tâm vào những mục tiêu mình đề ra. Cứ chăm chỉ thì trời không phụ lòng người, ắt sẽ có trái ngọt cho bạn.
Trong nguy nan luôn có những cơ hội
Khi con chim la tới ăn khế thì người em đã rất lo lắng bởi đó là nguồn thu nhập chính. Ho gặp phải hoàn cảnh khó khăn giữa lúc nguy khốn và khi chim nói ăn khế trả vàng thì đó chính là cơ hội trong nguy nan.
Bài học rút ra đó là cần bình tĩnh chờ đợi, xem xét thấu đáo mỗi khi gặp khó khăn để nhìn thấy được cơ hội trong đó. Những điều tốt đẹp đang chờ đợi ở phía trước nên bạn đừng vội vàng nản chí buông xuôi.
Bài học ý nghĩa về sự biết ơn
Điểm đáng chú ý khi chim lạ đến ăn khế đó là câu nói của chim: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”. Chim đã thực hiện đúng lời hứa, đây là điều đáng khen ngợi về đức tính biết giữ lời hứa và trả ơn cho người đã giúp đỡ mình.
Những hình ảnh được sử dụng trong truyện cổ tích này đã nói lên ý nghĩa cuộc sống. Hình ảnh con chim thần biểu thị cho chữ tín, giữ lời hứa, sống có tình có nghĩa và biểu thị cho công lý. Đền ơn đáp nghĩa chính là một trong những truyền thống quý báu, cần được giữ gìn và phát huy.
Ở hiền gặp lành
Một trong những ý nghĩa cốt lõi của câu truyện này đó là ở hiền gặp lành. Người em hiền lành, chấp nhận không tranh giành với người anh. Cũng chính hành động này mà người em mới được chim thần cho vàng.
Xã hội hiện đại ngày nay, không còn mấy ai đủ nhẫn nhịn, rộng lượng với tình huống này nhưng hãy tâm niệm rằng một điều nhịn là chín điều lành, ở hiền ắt sẽ gặp lành.
Qua truyện cổ tích Ăn khế trả vàng, ta thấy nhiều tầng ý nghĩa, không chỉ thích hợp để giáo dục trẻ nhỏ mà còn phù hợp để người lớn chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đây là một trong số những tác phẩm nên đọc, tuy đơn giản nhưng chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh, day ta về cách đối nhân xử thế.