Minh triết sinh ra từ bất an được xuất bản vào năm 1951, viết bởi tác giả Alan W. Watts. Nó chọc thủng niềm tin của nhiều người, nó khởi xướng những ngịch lý của sự bất an.
Nếu hạnh phúc luôn phụ thuộc vào một thứ gì đó được kỳ vọng ở tương lai, chúng ta đang đuổi theo một con ma trơi, mãi mãi không khi nào bắt được, cho tới khi tương lai và bản thân chúng ta tan biến vào vực thẳm của cái chết
Bạn biết đấy, bạn có thể dùng tiền để mua rất nhiều thứ, nhà cửa, xe đẹp, điện thoại đời mới nhất. Nhưng cũng có những thứ khác, những thứ quan trọng hơn mà dùng tiền chúng ta không thể mua được, ví dụ như mục đích sống, hạnh phúc..
Khi bạn nghĩ về những gì bạn muốn có trong cuộc sống này, điều gì quan trọng hơn? Một sự tồn tại có mục đích hay một chiếc xế hộp?
Sẽ là gì nhỉ?
Nếu bạn đang thấy mông lung, không rõ mục đích sống của cuộc đời mình, bạn muốn tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn về sự tồn tại của mình ngoài chuyện cơm-áo-gạo-tiền, thì tôi nghĩ cuốn sách này có lẽ sẽ giúp được bạn.
Sự bất an số 1: Khi niềm tin tâm linh, chuẩn mực xã hội giảm đi
Có khi nào bạn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu thốn và bất an không? Ý tôi là không hẳn là về vấn đề vật chất, mà là cảm giác bất an, thiếu thốn từ trong thâm tâm.
Chẳng lâu đâu, chỉ vài chục năm trước đây thôi, con người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tôn giáo, tâm linh, có vẻ là mê tín, nhưng khi có niềm tin vào tôn giáo hay tâm linh thì chúng ta lại dễ cảm giác được cuộc sống viên mãn hơn.
Con người có thể đương đầu với nhiều thử thách khắc nghiệt, miễn là họ có điều gì đó để mong đợi, những tín đồ có thể vượt qua những khó khăn tồi tệ nhất bởi họ tin ở thế giới bên kia có hạnh phúc vô hạn đang đợi họ. tuy nhiên hiện nay ảnh hưởng này, hay nói chính xác hơn là lòng tin của mọi người ngày càng suy yếu.
Trong thời đại ngày nay, giá trị của tôn giáo mất dần, bởi mọi người đang cố gắng đặt vấn đề với thế giới bên kia, đang dựa vào khoa học để củng cố niềm tin vào tâm linh. Và khi khoa học không chứng mình được là thế giới hạnh phúc kia có thật thì sao?
Mọi người bắt đầu lấp đầy khoảng trống trong mình bằng những cảm giác mạnh của xã hội hiện đại, dùng chất kích thích, làm việc quá sức.. để tâm trí tạm thời quên đi câu hỏi về sự tồn tại của bản thân đang lởn vởn quanh bạn.
Những kích thích xã hội này xảy ra liên tục, bạn chuyển từ bia sang rượu, từ ít sang nhiều, chúng ta dùng sự kích thích ngày 1 nhiều để bù đắp cho 1 cuộc sống thiếu ý nghĩa.
Sự bất an số 2: Tiêu dùng mang lại hạnh phúc, nhưng không thỏa mãn
Bạn cố gắng thuyết phục bản thân rằng mình sẽ hạnh phúc khi dành được khuyến mãi bạn mong muốn, mua được một ngôi nhà , sở hữu được một chiếc xe trong mơ ước. Nhiều người dành tất cả thời gian của bản thân để hướng đến những mục tiêu như vậy.
Nhưng, niềm vui mua được một chiếc xe mới không kéo dài quá 1 tháng, niềm vui thăng chức không kéo dài quá 1 tuần, niềm vui có một chiếc điện thoại mới chẳng kéo dài đến 3 ngày.
Nếu gọi đây là hạnh phúc thì vấn đề cốt yếu là : Cuộc săn đuổi hạnh phúc chẳng bao giờ kết thúc.
bạn có nhớ hình ảnh chú lừa bị dắt bởi củ cà rốt không?, lúc nào cũng lủng lẳng vừa tầm với nhưng lại mãi mãi không bao giờ với được.
Chúng ta cũng giống như chú lừa vậy, ngày bé chúng ta hạnh phúc khi đạt điểm cao, vào đại học, rồi ra trường, tìm cho mình một công việc có mức lương cao, rồi đợi nghỉ hưu và xuống lỗ.
Khi bạn có một công việc thoải mái, một ngôi nhà đẹp , bạn sẽ làm gì? Sự trống trải có thể lại bắt đầu quấy rầy bạn nếu như bạn không phân tâm, bằng cách thèm chiếc xe đẹp của nhà hàng xóm, hay cố gắng mua một ngôi nhà lớn hơn, thêm một mảnh đất to hơn.. Và như thế, cuộc săn lùng hạnh phúc lại tiếp tục
Sự bất an số 3: Không có niềm vui nào mà không có nỗi đau, hãy ngừng lo lắng và buông bỏ tiêu cực.
Như người thầy quốc dân đã nói: “Có làm thì mới có ăn, không làm mà muốn có ăn thì…” . Niềm vui trong cuộc sống này cũng vậy, để cảm giác được thú vui mãnh liệt thì bạn cũng cần trải qua những gia vị của sự đau đớn. Và cũng chẳng có niềm vui nào kéo dài mãi mãi, nó như 2 vòng xoáy đan xen, tiếp diễn nhau.
Bạn yêu thương bố mẹ vô cùng, nhưng rồi cũng phải chấp nhận có lúc bố mẹ rời xa mình. bạn hạnh phúc khi thấy mình lớn lên, bươn trải ngoài cuộc đời giỏi giang, rồi cũng đến lúc bạn nhìn vào gương đếm từng nếp nhăn trên khuôn mặt.
Cuộc sống này lúc nào cũng có niềm vui, nhưng nó phải trả giá.
vậy, bạn có thể làm gì?
Điều bạn có thể làm, đó là hãy ngừng việc xem cảm xúc của mình đang là tích cực hay tiêu cực, thay vào đó hãy xem mọi chuyện xảy đến như việc tất yếu, như những sự kiện nhất định phải xảy ra trong cuộc sống này.
Và với quan điểm này, bạn có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của lo lắng có thể đang chiếm lấy cuộc sống của bạn.
Với một quan điểm đúng đắn, bạn sẽ cảm thấy bản thân bình tĩnh với mọi thăng trầm, bất an trong cuộc sống, buông bỏ những lo lắng và đừng cố gắng kiểm soát mọi thứ
Đúc kết sách: Minh triết sinh ra từ bất an
không có thứ gọi là an toàn thực sự trong cuộc sống. Vì vậy, thay vì rơi vào trạng thái lo lắng, hãy chấp nhận bất an và đau đớn như một phần của cuộc sống bằng cách nhận thức trong thời điểm hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn tìm thấy sự yên tĩnh và mãn nguyện.
P/s: Thực ra đọc xong quyển sách này, cá nhân tôi thấy nó truyền tải được một phần trong quan điểm của phật giáo, có lẽ là một tác giả phương tây nên cách hành văn cũng như thể hiện quan điểm có đôi chút khác biệt. Ở Phật giáo chúng ta thấy có tứ diệu đế, trong đó Khổ đế chính là đề tài trong cuốn sách. Để giải quyết được nguồn gốc của bất an, ta cần hiểu, từ hiểu mới hóa giải được, điều này thì Phật giáo là kim chỉ nam, tôi không lạm bàn nhiều ở trong bài viết này.