Chiều tối là một trong số rất nhiều bài thơ hay của Hồ Chí Minh về tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và thái độ lạc quan, ý chí vươn lên dù đang phải đối mặt với nghịch cảnh. Nếu như bạn đang có đề văn hãy phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh mà chưa biết làm thế nào cho hay thì hãy tham khảo ngay dàn ý và văn mẫu hay nhất dưới đây, chắc chắn bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng cho bài viết của mình.
Xem thêm:
- Bài thơ: Tiếng gà trưa: Nội dung, Dàn ý phân tích, Giá trị, Tác giả
Dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Sơ đồ tư duy phân tích Chiều tối
Dàn ý phân tích Chiều tối
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả bằng một nhận xét hay nhận định nào đó
VD: Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà văn hóa lớn….
- Giới thiệu về tác phẩm cần phân tích
- Nêu tên bài thơ, xuất xứ (VD: Trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, một trong số đó phải kể đến đó là bài thơ Mộ – Chiều tối in trong tập Nhật ký trong tù
- Khái quát nội dung bài thơ cần phân tích (VD: Bài thơ đã nêu lên được vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên vào chiều tối và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gông cùm khắc nghiệt nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời, hướng về sự sống, tương lai)
Thân bài
Hai câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
- Mở đầu bài thơ là không gian lúc chiều tối, người tù ngước nhìn lên trời cao dõi theo những cánh chim mỏi mệt đang bay về tổ và đám mây trôi lững lờ trên tầng không.
→ Bút pháp chấm phá, điểm vẽ diện, đây là chất liệu quen thuộc trong thi ca cổ điển.
- Hình ảnh phác họa không gian gợi ý niệm về thời gian
- “chim mỏi”: tả thực cánh chim mệt mỏi bay về tổ sau một ngày kiếm ăn → Hình ảnh người tù mệt mỏi sau một ngày lê bước trên đường dài chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác. Ngoại cảnh cũng là tâm cảnh, trong ý thơ có sự hòa hợp, sự đồng điệu giữa người tù và thiên nhiên.
→ Cội nguồn của sự cảm thông ấy chính là tình yêu thương mênh mông mà Bác dành cho mọi sự sống chân chính ở trên đời.
- Hình ảnh “chòm mây”
- Chòm mây trong thơ của Bác không phải là áng mây trắng bay mà “chòm mây” trong thơ Người mây mang tâm hồn, mang tâm trạng của người tù, người chiến sĩ.
- “cô vân”: cô đơn, lẻ loi giữa bầu trời
- từ “mạn mạn”: lững lờ, chầm chậm trôi
- “độ thiên không”: giữa bầu trời → không gian rộng lớn, êm ả, trong trẻo.
→ Người tù nơi đất khách quê người cô độc, lẻ loi, băn khoăn trăn trở tương lai không biết sẽ đến đâu.
⇒ Hai câu thơ đầu là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh ngụ tình, thấm đượm nỗi buồn của người tù nơi đất khách, qua đó thể hiện bản lĩnh kiên cường “chất thép”, ý chí nghị lực, tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Hồ Chí Minh.
Hai câu thơ sau: Bức tranh đời sống con người
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
Dịch
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
- Điểm nhìn có sự thay đổi: mặt đất
- Hình ảnh gợi cảm: cô gái xay ngô, lò than rực hồng → gợi hình ảnh trẻ trung, khỏe khoắn, tràn đầy sức sống
→ Con người lao động là chủ thể, là trung tâm của bức tranh
- Nghệ thuật láy âm, vắt dòng, nhịp ⅔ → khắc họa vòng quay nhịp nhàng của động tác xay ngô
→ Niềm hứng khởi của nhà thơ trước vẻ đẹp của cuộc sống, đồng cảm và sẻ chia với người lao động.
- Hình ảnh “lò than rực hồng”: làm sáng lên không gian, khuôn mặt của người thiếu nữ, làm sáng cả tâm hồn nhà thơ. Là hơi ấm cho không gian thiên nhiên rừng núi âm u, heo hút, ấm lòng người tù cách mạng.
- Chữ “hồng” ở cuối bài thơ đã giúp cho người đọc hình dung ra bóng tối đang buông xuống xóm núi, trời rất tối thì người đi mới thấy được ánh sáng rực hồng.
→ Ngọn lửa của sinh hoạt gia đình ấm cúng là ngọn lửa của lao động, của sự sống tạo nên âm hưởng lạc quan cho toàn bài. Đại diện cho màu của lý tưởng cách mạng trong người chiến sĩ, ấm lòng, tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh tăm tối để vụt sáng.
Kết bài
- Khẳng định giá trị bài thơ
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
- Về nội dung: bài thơ Chiều tối đã thể hiện tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, con người cũng như sự ung dung, tinh thần lạc quan của Bác trong hoàn cảnh ngục tù khó khăn.
- Về nghệ thuật: sử dụng bút pháp trữ tình tinh tế, kết hợp giữa màu sắc cổ điển và hiện đại.
Bài văn mẫu phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Phân tích bài thơ Chiều tối – Mẫu 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, có những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà. Ngay cả trong hoàn cảnh lao tù thì Người vẫn có những tác phẩm để đời, tiêu biểu như bài thơ “Chiều tối”.
Bài thơ này ghi lại khoảnh khắc Bác đi từ nhà lao Thiên Bảo đến Long Tuyền vào năm 1942. Cảm hứng chủ đạo đó là bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà, khi hoàng hôn sắp buông xuống. Phải thật sâu sắc, tinh tế thì Hồ Chí Minh mới có thể diễn tả một cách đắc điệu nhịp sống nhẹ nhàng nơi núi rừng như thế.
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Hai câu thơ đầu đã như một nét chấm phá khiến cho bầu trời về chiều hiện lên đậm nét, mang nỗi buồn mang mác.
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Tầng mây trôi nhẹ giữa tầng không
Nỗi buồn lan ra khiến giọng thơ chùng xuống, dường như tâm sư của tác giả được đẩy lên cao. Khi chiều tà cánh chim cũng “mệt mỏi” tìm chốn ngủ. Một cánh chim cô đơn, lẻ loi đi lạc giữa bầu trời rộng lớn khiến người đọc liên tưởng tới cuộc sống của Người hiện tại. Cảnh kìm hãm, tù đày bí bách khiến Hồ Chí Minh khao khát có chốn ấm áp, yên bình để tìm về.
Hình ảnh “tầng mây trôi nhẹ” đã diễn tả sự vận động tinh tế, nhẹ nhàng của đất trời thiên nhiên. Nhịp thơ rất chậm và có lẽ là lòng người cũng đang chậm.
Chỉ qua hai câu thơ này người đọc đã nhận ra khát khao muốn như được tầng mây đó, không phụ thuộc, cứ trôi đi, không phải chịu cảnh tù đày.
Dường như một tia sáng thấp thoáng bóng người bừng lên ở hai câu thơ sau:
Cô em xóm núi xây ngôi tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Bức tranh cuộc sống bình dị của người dân nơi chân núi được phác họa tinh tế, tuy bình dị nhưng vô cùng ấm áp, tràn đầy tin yêu. Có thể nói, Hồ Chí Minh khao khát có nơi bình dị để trở về.
Cô gái vùng sơn cước xay hết ngô thì lò than đã rực hồng. Giữa vùng núi hoang sơ, mặt trời đã tắt, hình ảnh lò than như làm sáng bừng cả không gian, ấm áp trái tim của Người. Có thể nói rằng xây dựng hình ảnh lò than và cô em xóm núi dường như là nỗi niềm thầm kín của tác giả. Đó là hiện thân của mái ấm gia đình chứa chan tình yêu thương, hạnh phúc.
Bài thơ “Mộ – Chiều tối” của Hồ Chí Minh là bài thơ đã mang tới dấu ấn riêng, đặc trưng, vừa mang màu sắc cổ điển vừa mang sắc thái hiện đại. Đó chính là tâm sự, là ước mong nhỏ nhoi có thể thoát khỏi chốn lao tù, mang tới cho nhân dân cuộc sống bình yên.
Phân tích bài thơ Chiều tối – Mẫu 2
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét về tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh: “Quy luật thống nhất giữa cách mạng và thơ ca chân chính đã khiến Bác Hồ vừa rèn luyện mình trở thành một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, vừa chống lại ý chí của ông, đã chuẩn bị cho mình những điều kiện để trở thành một nhà thơ lớn. “Nhật ký trong tù” là tập thơ chữ Hán được Bác viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Bài thơ “Chiều tối” là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của tập thơ này.
Bài thơ “Mộ – Chiều tối” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác khi Bác bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo vào năm 1942. Những vần thơ này không chỉ là thể hiện tình yêu vô bờ bến mà còn là những vần thơ thép, thể hiện tinh thần sắt đá.
Bức tranh thiên nhiên trên đường đã được Hồ Chí Minh khắc họa bằng lối văn miêu tả và vài nét chấm phá của Đường Thi:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Chiều tối, sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi, những chú chim tung cánh tìm chỗ ngủ. Đàn chim bay trong buổi hoàng hôn đã gợi lên sự bé nhỏ trong không gian rộng lớn của khu rừng. Khi chiều buông xuống, bóng tối ngự trị cũng là thời điểm gợi lên bao nỗi buồn. Con chim đã tìm được chốn nghỉ còn người tù khao khát có một nơi dừng chân nghỉ ngơi. Dù cô đơn, mệt mỏi thế nhưng người chiến sẽ ấy không bao giờ kêu than. Người đối mặt với hoàn cảnh bằng một nghị lực ý chí phi thường.
Giữa không gian mênh mông bao la ấy còn có sự hiện diện của những đám mây trôi cô đơn, bồng bềnh. Không chỉ có chim mà mây cũng mang một nỗi cô đơn. Để thấy được cái hồn của cảnh vật thì phải là người có tình yêu thiên nhiên, cuộc sống nồng nàn.
Bức tranh thiên nhiên núi rừng lúc chiều tà đã được miêu tả qua một vài chi tiết nổi bật đã bộc lộ rõ một hồn thơ. Tâm hồn ấy đồng cảm, hòa hợp với vạn vật bởi có nét tương đồng giữa chính bản thân nhà thơ và vạn vật. Hồ Chí Minh vẫn giữ được sự đĩnh đạc, điềm tĩnh dù tay chân bị gông cùm kẹp chặt. Nếu như không phải người có tinh thần lạc quan, nghị lực thép thì có lẽ Người đã không hướng tâm hồn minh ra bên ngoài để nhìn và cảm nhận. Nỗi buồn cô đơn, lẻ loi được gợi lên qua chất liệu thơ Đường được sử dụng trong hai câu thơ: Chiều chiều, hình ảnh đàn chim, mây trời. Bên cạnh đó, những hình ảnh ước lệ này cũng khắc họa sự chuyển động tinh tế của thời gian của hoàng hôn nơi xứ người.
Nếu như ở hai câu thơ đầu, tác giả miêu tả bức tranh thiên nhiên thì ở hai câu thơ sau là cảnh sinh hoạt của con người.
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Nỗi buồn của người tù đã dần đẩy lùi nhờ những dấu hiệu của sự sống con người xuất hiện. Trong bức tranh cuộc sống này, con người là chủ thể, là trung tâm. Để thấy được cuộc sống người dân nơi miền sơn cước thì Bác đã có cái nhìn từ toàn cảnh tới chi tiết, từ xa đến gần, từ bầu trời xuống mặt đất.
“ma bao túc” cho thấy vòng quay của cối xay ngô lặp lại đều đặn đã diễn tả cuộc sống lao động vất vả của những đứa trẻ. Chu kỳ của thời gian và vũ trụ cũng được thể hiện bằng nghệ thuật điệp từ từ đầu đến cuối. Tâm điểm chú ý của Bác đó là thiếu nữ miền núi đang xay ngô. Hình ảnh thiếu nữ đang xay ngô đã trở thành tâm điểm chú ý của Bác. Nếu như thơ xưa lấy thiên nhiên làm chủ thể thì trong thơ Bác con người được lấy làm chủ thể.
Nhà tù Tưởng Giới Thạch có thể dày vò thể xác của Bác thế nhưng không thể hong khô tinh thần, tâm hồn Bác vẫn hướng ra ngoài thế giới để đồng cảm, hòa hợp với con người và sinh vật. Để tận hưởng niềm vui giản dị, bé nhỏ thì Người đã quên đi những nhọc nhằn. Đoạn thơ này thể hiện tinh thần lạc quan.
Bài thơ “Chiều tối” cho thấy tâm hồn người chiến sĩ cách mang và tâm hồn của nhà thơ đã hòa quyện làm một. Bài thơ nào của Bác cũng đầy chất thép toát lên từ tư tưởng người chiến sĩ lớn.
Hy vọng những bài văn phân tích bài thơ Chiều Tối hay nhất đã cung cấp cho các bạn những kiến thức hữu ích, có thêm gợi ý trên các bạn có thể tự hoàn thiện bài văn của mình một cách hoàn hảo nhất. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!