Tiếng gà trưa là bài thơ được sáng tác vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tiếng gà trưa là tiếng gọi, âm thanh của tình yêu quê hương, đất nước, gia đình làng xóm còn in đậm trong tâm trí người lính ra trận, trong đó tình cảm thắm thiết và sâu lắng nhất đó là tình bà cháu. Bài thơ tiếng gà trưa gợi lại những kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ của tuổi thơ, xua đi những sự mệt nhọc, vất vả trên đường hành quân.
Tusachtinhhoa xin chia sẻ đến cho quý thầy cô và các em học sinh đầy đủ nội dung, dàn ý phân tích, bố cục, tác giả, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Tiếng gà trưa.
Xem thêm:
- Review sách “Cho tôi một vé đi tuổi thơ“
Tác giả của bài thơ tiếng gà trưa là ai?
Bài thơ tiếng gà trưa được sáng tác bởi nữ thi sĩ tài ba Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh năm 1942 và mất năm 1988 tại làng La Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thủ đô Hà Nội).
Xuân Quỳnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức gia giáo, mẹ mất sớm nên từ nhỏ đã Xuân Quỳnh đã ở với bà, bà chính là người đã chăm sóc, nuôi nấng đến khi trưởng thành. Mặc dù phải sống trong điều kiện thiếu thốn vật chất thế nhưng Xuân Quỳnh luôn có đầy ắp những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, luôn mạnh mẽ, vui vẻ, hòa đồng.
Trước khi đến với sự nghiệp văn chương thì Xuân Quỳnh là một diễn viên múa, đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài, dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 195 tại Áo. Từ 1962 – 1964, Xuân Quỳnh học tại trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1973 bà kết hôn với nhà viết kịch nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Năm 2001 Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2017, bà được Nhà nước tăng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Đặc điểm thơ Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh được xem là người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ ca hiện đại từ sau 1945. Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm bình dị, gần gũi trong cuộc sống thường ngày và cuộc sống gia đình. Biểu lộ những khát vọng, rung cảm của một trái tim người phụ nữ đằm thắm, tha thiết, chân thành. Từng câu thơ, người mang vào hết những dòng tâm tư, sự trong sáng, tình cảm của một tình yêu nồng cháy, chân thành.
Bên cạnh những tác phẩm về tình yêu đôi lứa thì Xuân Quỳnh cũng rất thành công với những tác phẩm về con người, quê hương, tuổi thơ. Có thể kể tới một số tác phẩm nổi tiếng của bà như: Chồi biếc (1963), Hoa học chiến hào (1968), Lời ru trên mặt đất (1978), Sóng Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu…
Vài nét về bài thơ “Tiếng gà trưa”
Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ Tiếng gà trưa được tác giả Xuân Quỳnh sáng tác trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lần đầu bài thơ được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968).
Tiếng gà trưa thuộc thể thơ gì?
Bài thơ “Tiếng gà trưa” được viết theo thể thơ ngũ ngôn. Thơ ngũ ngôn là mỗi câu thơ sẽ có 5 chữ. Thường bài thơ theo thể này sẽ chia thành nhiều khổ và có 4 câu mỗi khổ. Thế nhưng ở bài thơ Tiếng gà trưa thì có sự đa dạng trong số dòng thơ mỗi khổ, có thể là 4 dòng, 6 dòng, 10 dòng.
Không giống như thơ ngũ ngôn của thơ đường, cách gieo vần cũng không cố định, rất linh hoạt. Trong bài thơ phần lớn là vần cách, có khi chỉ cần giữ đúng âm mà không chú trọng đúng vần. Mặc dù thế, khi đọc bài thơ này thì chúng ta vẫn thấy sự hài hòa, mạch lạc trong mạch cảm xúc của tác giả.
Nội dung của bài thơ Tiếng gà trưa
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”
Nội dung bài thơ: “Tiếng gà trưa” chính là lời kể của tác giả về những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ khi sống với bà. Kể lại khoảng ký ức bình yên, quen thuộc khi sống cùng bà. Bên cạnh đó thì bài thơ này cũng là những suy tư của người cháu, tình cảm bà cháu, gia đình, kỷ niệm tuổi thơ đã làm cho tình yêu quê hương đất nước trở nên sâu sắc.
Bố cục của bài thơ
Bài thơ này được chia làm 3 phần chính:
- Phần 1: Khổ 1 (Từ đầu cho tới ….nghe gọi về tuổi thơ): Những rung cảm ban đầu của cháu khi nghe tiếng gà trưa trên đường hành quân.
- Phần 2: 5 khổ thơ tiếp theo (Tiếp đó đến ….Đi qua nghe sột soạt): Tiếng gà trưa gợi về những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu.
- Phần 3: 2 khổ còn lại: Tiếng gà trưa là động lực chiến đấu của người chiến sĩ
Nhan đề “Tiếng gà trưa”
Với mỗi chúng ta thì tiếng gà trưa là âm thanh vô cùng quen thuộc, nó là một phần ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn Việt Nam. Những bình yên của làng quê được khơi gợi hết khi nhắc đến tiếng gà trưa, nơi những đứa trẻ được vui chơi dưới cánh đồng lúa bao la, những buổi trưa nắng gắt trốn đi chơi và những người bà trong bếp củi, khói bếp, tiếng gà,…
Với tuổi thơ của tác giả thì tiếng gà trưa cũng là hình ảnh quen thuộc, nó chính là nguồn cảm hứng để tác giả viết lên bài thơ này.
Nhan đề “tiếng gà trưa” khơi gợi lên những ký ức tuổi thơ của người lính. Hồi tưởng về những kỷ niệm của quá khứ, về những giây phút bình yên bên bà, gia đình, làng xóm. Qua đó thể hiện nỗi lòng của một người yêu thương gia đình, quê hương đất nước.
Dàn ý soạn bài Tiếng gà trưa
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh (những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, đặc điểm thơ,… )
- Giới thiệu về bài thơ “Tiếng gà trưa” (hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật…)
Thân bài
Tiếng gà trưa thức dậy tình cảm làng quê
- Hoàn cảnh: người cháu trên đường hành quân nhìn thấy xóm làng liền ghé vào nghỉ ngơi
- Thời gian: buổi trưa
- Không gian: bên xóm nhỏ, trên đường hành quân xa
- Tác giả đã nghe thấy âm thanh tiếng gà trưa “Cục…cục tác cục ta”
—> Đây là âm thanh bình dị, thân thuộc, cho chúng ta cảm giác, không khí làng quê thanh bình, yên ả.
- Các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng: Điệp ngữ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
- Điệp từ “nghe” kết hợp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “xao động nắng trưa” (thị giác); “bàn chân đỡ mỏi” (cảm giác); “gọi về tuổi thơ” (tâm hồn).
—> Điệp từ”nghe” đã nhấn mạnh cảm giác khi nghe tiếng gà trưa và cảm xúc lan tỏa trong tâm hồn. Chữ “nghe” làm cho giọng thơ ngọt ngào hơn, tha thiết hơn, mở ra những liên tưởng đáng yêu.
⇒ Nhấn mạnh, diễn tả tinh tế những diễn biến cảm xúc trong tâm hồn người chiến sĩ với hình ảnh, ngôn ngữ chân thực, giản dị. Và qua đó đã thể hiện tình yêu gia đình, quê hương tha thiết.
Vì sao trong muôn vàn âm thanh, người chiến sĩ lai chú ý đến âm thanh của tiếng gà trưa?
- Bởi tiếng gà trưa là âm thanh của làng quê, âm thanh bình dị, thân thuộc từ bao đời. Âm thanh mang lại niềm vui cho con người chốn thôn quê. Tiếng gà vang lên đã phá tan đi cái tĩnh lặng của buổi trưa, của làng quê.
- Tiếng gà đem lại niềm vui và tiếng gà còn gợi kỉ niệm thơ ấu, bằng sự nhạy cảm tinh tế, yêu những thứ bình dị, nhỏ bé nhưng rất đỗi thân thương.
- Một tiếng gà trưa cũng gợi mở bao cảm xúc sâu thẳm trong lòng. Tiếng gà trưa là âm thanh đồng vọng của gia đình, của làng xóm quê hương đất nước.
→ Tiếng gà nhảy ổ như một phép thần kỳ đã truyền cho người chiến sĩ bao niềm vui, bao nghị lực. Xua tan mệt mỏi, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua chặng đường phía trước, sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ. Nghe tiếng gà trưa, người chiến sĩ thêm xao xuyến, mọi kỉ niệm tuổi thơ như được thức dậy, ùa về.
Những kỉ niệm tuổi thơ được tiếng gà trưa khơi dậy
- Kỉ niệm về ổ trứng, con gà mái mơ, mái vàng
+ Sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo trật tự từ “những trứng hồng”
+ Điệp từ “này”
+ Biện pháp so sánh: “lông óng như màu nắng”
+ Liệt kê, miêu tả màu sắc, tính chất.
→ Miêu tả hình ảnh ổ trứng hồng, đàn gà đẹp như tranh Đông Hồ. Gợi vẻ đẹp đầm ấm, tươi sáng, bình dị mang niềm vui và hạnh phúc
- Những kỉ niệm về người và và tình bà cháu
+ Lời mắng yêu của bà: “Gà đẻ… mặt”. Nó xuất phát từ sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc của bà dành cho cháu.
→ Ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc, gần gũi với đời thường, đậm chất thôn quê.
+ “Tay bà khum soi trứng…. cho con gà mái ấp” —> Cách bà chăm chút, chắt chiu từng quả trứng để đem bán lấy tiền mua quần áo mới cho cháu.
+ Động từ “khum”, “soi” kết hợp từ láy “chắt chiu” đã thể hiện, diễn tả hình ảnh người bà thôn quê tần tảo, chịu thương chịu khó chắt chiu từng niềm vui nhỏ trong cuộc sống đầy lo toan, vất vả.
+ Tiếng gà trưa còn gợi những nỗi lo âu của bà: Điệp ngữ “hằng năm” → gợi ra quãng thời gian dài, triền miên những nỗi lo âu của bà
→ Bà là người luôn tần tảo, chịu thương chịu khó, thương yêu cháu, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam giàu lòng nhân ái, giàu đức hy sinh.
Những suy tư về tiếng gà trưa
Tiếng gà trưa mang bao hạnh phúc về kỉ niệm với người bà và suy tư về mục đích chiến đấu.
- Suy tư về hạnh phúc:
+ Tiếng gà trưa đã trở thành niềm hạnh phúc của tuổi thơ, ổ trứng đi vào giấc mơ của cháu.
+ Phép ẩn dụ “giấc ngủ hồng” để chỉ giấc ngủ của sự hạnh phúc và thanh bình
—> Đây là suy tư về những điều tốt lành và hạnh phúc
- Những hình ảnh, nỗi nhớ về bà đã trở thành động lực để cháu vững chắc tay súng tiến lên chống lại kẻ thù.
+ Sử dụng biện pháp Điệp từ “Vì” → Khẳng định niềm tin vào chân lý của cuộc chiến đấu: Tổ quốc – xóm làng – người bà – tiếng gà, ổ trứng. Qua đó thể hiện tình cảm gia đình làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương.
⇒ Đối với người chiến sĩ tiếng gà trưa đã chạm vào ký ức, làm sống dậy những tình cảm, kỉ niệm tuổi ấu thơ không những thế đối với cuộc sống hiện tại thì âm thanh ấy như lời thúc giục người chiến sĩ chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp. Rõ ràng nếu không phải là người yêu mến và gắn bó với gia đình, quê hương đất nước thì làm sao có một âm thanh rất đỗi bình dị lại gợi lên trong lòng người chiến sĩ những tình cảm lớn lao, cao đẹp như vậy.
Kết bài
Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
- Nghệ thuật: Tác giả đã sử dụng thể thơ năm chữ đạt tình cảm tự nhiên. Bên cạnh đó sử dụng các biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ.
- Nội dung: Tiếng gà trưa đã khơi gợi những kỷ niệm tuổi thơ và tình cảm bà cháu. Tình cảm gia đình đã góp phần làm cho tình yêu nước trở nên sâu sắc.
Những nội dung trên đây đều được những Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết, hy vọng sẽ giúp các bạn hệ thống hóa kiến thức dễ dàng, nắm chắc những nội dung của tác phẩm Tiếng gà trưa Ngữ văn lớp 7.