Những câu truyện cổ tích không chỉ giúp các bé yêu mở rộng vốn từ, kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy mà lồng ghép vào những câu chuyện là bài học đạo đức, dạy bé kỹ năng tư duy phân biệt đúng sai. Mời các bạn cùng Tủ Sách Tinh Hoa khám phá những câu truyện cổ tích ý nghĩa cho bé mà các mẹ nên kể cho bé nghe mỗi ngày nhé!
Câu chuyện bó đũa – Bài học về đoàn kết
Đây là câu chuyện cổ tích nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Chuyện kể rằng có một gia đình nọ có rất đông con cái thế nhưng các con luôn bất hòa khiến cho người cho rất buồn lòng. Người cha muốn các con đùm bọc, yêu thương lẫn nhau nên đã dạy cho các con một bài học vô cùng đắt giá.
Các con được người cha gọi lại gần và đưa cho mỗi người một chiếc đũa và yêu cầu từng đứa con bẻ nó. Kết quả là ai cũng có thể dễ dàng bẻ gãy đũa. Sau đó người cha lấy 1 nắm đũa cho từng người bẻ thế nhưng không có ai bẻ được cả. Đến đây, ông nở một nụ cười hiền hậu và nói với các con mình rằng: “Con người cũng giống như chiếc đũa, đoàn kết thì sẽ vững mạnh, không một thế lực nào có thể làm lung lay”. Sau khi lĩnh hội được bài học mà cha dạy, các con đã yêu thương nhau, giúp đỡ, gắn bó.
Thông qua câu truyện cổ tích này thì cha mẹ có thể dạy các bé phải biết yêu thương những người xung quanh, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Rùa và Thỏ – Đừng quá tự tin
Thuở xưa ở trong một khu rừng nọ đã diễn ra cuộc đua giữa Rùa và Thỏ. Thỏ quá tự tin vào khả năng của mình nên đã nằm dưới gốc cây, đánh một giấc dài. Ngược lại với Thỏ, Rùa luôn tự ý thức được mình chậm chạp thế nên luôn cố gắng bò về đích. Và kết quả rùa về đích trước và trở thành người chiến thắng. Thỏ đã vô cùng xấu hổ, không còn mặt mũi gặp mọi người nên đã chạy thẳng vào rừng sâu.
Đây là câu chuyện ngắn và đơn giản nhưng những bài học mà nó mang tới lại vô cùng quý giá. Đây là bài học giáo giáo dục về tính siêng năng, cần cù, chỉ cần chúng ta kiên trì thì chắc chắn sự thành công sẽ đến. Truyện còn nhắc nhở chúng ta rằng những người có tài năng thiên bẩm vẫn có thể bị hủy hoại bởi sự kiêu ngạo, lười nhác, mặt khác thì sự bền chí, điềm tĩnh có thể chiến thắng lười biếng.
Con quạ và cái bình – Dạy bé cố gắng
Nội dung truyện kể rằng vào năm nọ, suốt mấy tháng trời hạn hán kéo dài không có giọt mưa nào, ao hồ khô cạn. Có một chú quạ đậu trên cành cây khô để nghỉ chân và tình cờ thấy một bình nước ở trên mặt đất. Chú quạ liền sà xuống và thò mỏ vào trong bình để uống nước. Thế nhưng miệng bình quá nhỏ, cổ bình cao nên chú quạ không thể uống được nước. Đang không biết làm thế nào thì nó nhìn thấy những viên sỏi. Chú quạ đã gắp những viên sỏi bỏ vào bình, cho càng nhiều sỏi thì nước trong bình lại càng dâng cao lên và nó ung dung uống nước.
Đây là một truyện cổ tích hay ý nghĩa bạn có thể đọc cho bé trước khi đi ngủ. Qua câu truyện này chúng ta có thể rút ra bài học để răn dạy các bé đó là: nhờ sự kiên trì cố gắng, trí thông minh thì dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn nào thì chúng ta cũng tìm được giải pháp.
“Khi gặp khó khăn, chớ vội nản lòng từ bỏ, hãy suy nghĩ tìm cách giải quyết, lặp đi lặp lại thử nghiệm vì ý tưởng của bạn có lẽ sẽ không tệ như bạn nghĩ”.
Sự tích cây vú sữa – Câu chuyện về tình mẫu tử
Ngày xửa ngày xưa, có hai mẹ con sống với nhau, cậu bé được mẹ nuông chiều nên rất ham chơi, nghịch ngợm. Cậu nghịch những trò rất tai quái, mẹ đã mắng cậu vài câu chỉ vì sợ cậu gặp nguy hiểm. Ấy vậy mà cậu bé tức giận bỏ đi mà chẳng nghĩ tới mẹ đang chờ mong mòn mỏi.
Cậu đã tìm đường về nhà khi bị trẻ lớn bắt nạt, vừa đói vừa rét. Khi cậu về thì không thấy mẹ mình đâu, cậu ngồi ôm cây trong vườn và khóc. Rất kỳ lạ là cây xanh run rẩy, quả lớn nhanh và rơi vào lòng cậu bé, khi cậu chạm vào thì thấy trào ra một dòng sữa trắng như sữa mẹ. Cậu bé òa khóc, cây xanh xòe cành ôm cậu như tay mẹ vỗ về. Ai cũng thích trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, nó đã được đem gieo trồng khắp nơi và gọi cây đó là cây vú sữa.
Đây là một trong những câu chuyện cổ tích vô cùng cảm động về tình mẫu tử. Qua câu chuyện này chúng ta thấy được bài học về sự hiếu thuận, hãy đối xử có hiểu với ba mẹ, đừng để tới khi ba mẹ ra đi thì lúc đó hối hận cũng đã quá muộn màng.
Dê và Cáo – Dạy bé cảnh giác
Truyện cổ tích Dê và Cáo kể về một con cáo nọ, nhân lúc sư tử đi vắng thì nó đã lẻn vào hang và trộm thức ăn. Cáo đi lượn quanh khu rừng sau khi nó ăn uống no say, không may nó bị té xuống giếng sâu cạn nước. Trong lúc nó không tìm được cách ra ngoài thì nó phát hiện có con dê đi qua. Cáo liền hỏi thăm và nói dối là xuống lấy nước, nghe thấy vậy thì dê liền nhảy xuống. Nhân lúc đó cáo nhảy ra ngoài nhờ nhanh trí bám vào sừng của dê.
Câu chuyện này nhắc nhở một điều rằng đừng vì những lời đường mật, ngon ngọt của người khác mà bị đánh lừa. Trước khi làm bất cứ một việc gì thì cần cẩn trọng suy nghĩ thật kỹ.
Đeo chuông cho mèo – Đi tìm giải pháp
Có rất nhiều chuột ở một cửa hàng nọ, mỗi ngày chúng đều làm hư hỏng, phá hoại đồ đạc. Bởi thế thì chủ tiệm đã mua một chú mèo về để bắt lũ chuột này. Đàn chuột thấy vậy đã rất lo sợ và tìm cách cứu nguy cho mình. Trong đàn có một chú chuột nói to:“Tôi có kế hoạch này, nếu chúng ta đeo một cái chuông vào cổ của con mèo thì mọi cử động của nó, chúng ta đều biết được”. Ý kiến này ai cũng tán thành thế nhưng không có ai đứng ra làm
Thông qua truyện cổ tích đeo chuông cho mèo, có một bài học mang ý nghĩa sâu sắc, khuyên chúng ta không nên đưa ra những giải pháp không phù hợp, nó chỉ gây tốn kém thời gian.
Cậu bé Tích Chu – Bài học về tình yêu thương
Cậu bé Tích Chu là một câu chuyện cổ tích thú vị, nổi tiếng, chứa nhiều bài học nhân văn. Nội dung câu chuyện xoay quanh cậu bé Tích Chu, vì ba mẹ mất sớm thế nên cậu được bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Bà đã phải vất vả nuôi cậu thế nhưng càng lớn cậu càng ham chơi, vì bà làm lụng nhiều, tuổi già sức yếu nên đã bị ốm. Một hôm, bà khát nước nhưng không thể tự lấy, vì Tích Chu mải chơi, rong ruổi với lũ bạn mà không chăm bà. Khi cậu trở về thì bà đã hóa thành chim trắng đi tìm nước. Cậu bé đuổi theo bà, gào khóc, và hứa rằng chỉ cần bà quay trở lại thì cậu sẽ ngoan ngoãn thế nhưng bà của cậu đã đi mãi mãi không trở về.
Thấy Tích Chu khóc nức nở thì đã có bà tiên hiện ra, chỉ cho cậu bé đi tìm nước tiên để bà trở về. Không ngại khó khăn, cậu vượt bao chướng ngại để lấy nước về cho bà uống. Cho tới cuối thì bà đã trở lại hình dáng xưa và Tích Chu đã yêu thương bà, vâng lời hơn trước.
Các bạn có thể mượn câu truyện này để dạy các bé phải biết quan tâm, yêu thương những người xung quanh, đặc biệt là những người trong gia đình. Truyện cổ tích này còn cho ta thấy sức mạnh lớn lao của tình cảm gia đình, giống như cậu bé Tích Chu đã nỗ lực vượt bao khó khăn để khiến bà trở về hình dáng xưa.
Khỉ và cá sấu – Sử dụng trí thông minh đúng lúc
Câu chuyện ngắn này xoay quanh đôi bạn thân khỉ và cá sấu, 2 con vật này luôn giúp đỡ nhau. Vợ của cá sấu lại muốn chồng lấy quả tim của khỉ về để cho mình ăn. Cá sấu đã nghe lời vợ, nhằm thực hiện mục đích thì cá sấu đã dụ khỉ trèo lên lưng để nó đưa qua sông. Con khỉ đã phát hiện được ý đồ của cá sấu và có nói với cá sấu rằng qua tim đang để trên cây nên cần quay lại lấy. Khỉ nhanh trí leo lên cây khi gần tới bờ và vậy là cá sấu đã không đạt được mục đích.
Truyện cổ tích dạy cho bé bài học ý nghĩa rằng khi gặp tình huống khó khăn, nguy hiểm thì ta cần bình tĩnh, sử dụng trí thông minh để giải quyết vấn đề.
Vậy là Tủ Sách Tinh Hoa đã giới thiệu đến cho bạn những truyện cổ tích hay cho bé. Mong rằng những câu truyện cổ tích ý nghĩa này sẽ giúp các bé học thêm nhiều điều, trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn.