Thương vợ là một trong số những bài thơ cảm động và ấn tượng của nhà thơ Trần Tế Xương về tình cảm gia đình – vợ chồng. Tác giả đã khắc họa hình ảnh bà Tú là một người phụ nữ tần tảo, lam lũ, bài thơ cũng như nỗi lòng, tâm tư của tác giả muốn gửi gắm đến cho người vợ của mình. Nhằm giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của bài thơ này thì Tusachtinhhoa xin chia sẻ dàn ý phân tích Thương vợ lớp 11 chi tiết, hay nhất giúp các bạn có thêm tài liệu hữu ích để viết bài sao cho hay, ý nghĩa nhất.
Xem thêm:
- Phân tích Chí Phèo – Nam Cao chọn lọc hay nhất
Dàn ý phân tích bài thơ Thương vợ chi tiết siêu hay
Hướng dẫn viết mở bài tác phẩm Thương vợ
Giới thiệu vài nét về tác giả Trần Tế Xương
- Trần Tế Xương hay còn được gọi là Tú Xương hay Tú Mỡ, ông sinh năm 1870 và mất năm 1907, là một trong số những nhà thơ trào phúng bậc thầy của nền văn học Việt Nam.
- Ông là gương mặt đặc biệt trong số những nhà Nho cuối mùa, sống trong giai đoạn đầy bạo loạn của lịch sử.
- Tú Xương là người có cá tính mạnh mẽ, không chịu gò bó trong khuôn phép.
- Học giỏi nhưng không đỗ đạt, chỉ ở mức tú tài.
Giới thiệu về bài thơ Thương vợ
- Đây là một trong số những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú.
- Một hình ảnh người vợ vất vả, lam lũ được khắc họa một cách đầy đủ với thái độ trân trọng và yêu thương.
Thân bài phân tích tác phẩm Thương vợ
Phân tích hai câu đề
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
Mở đầu bài thơ ông Tú đã không vẽ về người vợ, để người vợ xuất hiện theo cách thông thường người ta hay làm đó là: nói về tên tuổi, ngoại hình, vẽ lên không gian, thời gian làm việc của bà Tú.
- Thời gian: “quanh năm”, trạng từ nay gợi lên một vòng lặp miên viễn không ngơi nghỉ, quanh năm nghĩa là ngày này sang tháng khác, năm này qua năm khác dù mưa hay nắng. “Buôn bán” vốn để chỉ một công việc không hề thanh nhàn, thậm chí còn là khốc liệt bởi tính cạnh tranh của môi trường.
- Địa điểm: “mom sông”, phần đất nhô ra phía sông đã tạo nên thế chông chênh bất ổn, vừa là nơi hứng chịu đầu sóng ngọn gió, rất dễ sạt lở. Đó cũng chính là bối cảnh mà bà Tú xuất hiện. Nó gợi tả một cuộc đời gian nan, lắm cơ cực, nguy hiểm, chênh vênh, phải vật lộn kiếm sống.
⇒ Hoàn cảnh và công việc làm ăn vất vả, xuôi ngược, không ổn định, suốt đời đầu tắt mặt tối cho nên vần thơ vang lên mà thấy trong đó bao nhiêu niềm thương cảm của một người chồng.
Nhưng bà Tú vất vả là vì cớ gì, khổ cực suốt quanh năm là vì cớ gì? Là vì “nuôi đủ năm con với một chồng”
- “Nuôi”: một từ nói lên sự chăm dưỡng. Với bà Tú, nuôi năm con dù là vất vả nhưng dẫu sao đó vẫn là trách nhiệm, nuôi con là lẽ đương nhiên.
- nhưng “nuôi chồng”: hóa ra trong gia đình ông Tú thì bà Tú mới là trụ cột của cả gia đình.
- “đủ”: cho ta thấy cả một bàn tay chu đáo, tảo tần và lắm vất vả vì gia đình ấy đâu phải có ít miệng ăn, không chỉ là no mà còn là đủ. Đủ ở đây không chỉ là đủ về vật chất, ăn no mà đủ cả về tinh thần. Thế mới thấy người phụ nữ ấy tài hoa vô cùng, đáng khâm phục.
- Cách dùng số đếm độc đáo: “một chồng” bằng cả “năm con”, ông Tú tự nhận mình là đứa trẻ đặc biệt. Kết hợp cùng cách ngắt nhịp 4/3 đã thể hiện rõ nỗi cơ cực, khó nhọc của người vợ.
⇒ Hình tượng người vợ gián tiếp hiện lên cái sự tần tảo, đầu tắt mặt tối nhưng cũng thật khéo léo, giỏi giang.
Phân tích hai câu thực
Hai câu thực đã tiếp tục khắc họa, làm đủ đầy thêm về bức chân dung của bà Tú:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đảo lên đầu 2 câu thơ những động từ (lặn lộn) và tính từ (eo sèo) để mô tả rõ thêm sự vất vả, nhọc nhằn của bà Tú. Tác giả cũng đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú thế nhưng sáng tạo hơn nhiều.
- “Lăn lộn”: nỗi cực nhọc, lam lũ, nỗi lo lắng, gian truân
- Hình ảnh “thân cò”: Con cò trong tâm trí dân tộc đó là hình ảnh gầy guộc, chăm chỉ và cần mẫn, mong manh và thật đáng thương. Nhưng sự sáng tạo của Tú Xương chính là hình ảnh “thân cò” chứ không phải con cò. Từ “thân” ở đây chỉ gợi lên tấm thân mảnh mai, gầy guộc, nó còn gợi nhắc cả thân phận cơ cực cả một đời.
- “khi quãng vắng”: cho ta biết khoảng thời gian khi mọi người ngơi nghỉ và cũng có nghĩa là bà Tú không chịu cô đơn giữa quãng vắng đó, còn là tủi hờn, đối diện với biết bao hiểm nguy.
→ Thông qua nghệ thuật ẩn dụ thì hình ảnh bà Tú hiện lên với sự vất vả gian truân.
- “Eo sèo”: từ láy tượng thanh thể hiện sự kêu ca phàn nàn, kì kèo, cãi vã.
- “buổi đò đông”: là không gian chòng chành, chật hẹp, huyên náo và không thể thiếu những lời tranh giành, lời qua tiếng lại, kì kèo. Những nơi người ta thường tránh lại là công việc, là chốn mưu sinh, là không gian quen thuộc của bà Tú.
⇒ Hình ảnh bà Tú hiện lên như thân cò lam lũ, chẳng quản ngại khó khăn giữa chốn mưu sinh bao là nhọc nhằn, nguy hiểm, phải giành giật, bên cạnh đó cũng thể hiện sự xót thương da diết của ông Tú.
Phân tích 2 câu luận
Hai cau luận tiếp tục là lời giải thích cho những căn nguyên dẫn đến những cơ cực của bà Tú.
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.”
- “Một duyên hai nợ”: vì một chữ duyên thôi mà liền theo đó là 2 chữ nợ, ý thức việc lấy chồng là duyên nợ, tác giả cũng ý thức mình là “nợ mà bà Tú phải gánh chịu, lặng lẽ chấp nhận vất vả vì chồng con mà không một lời phàn nàn.
- Tiếp đó vì chữ duyên nợ mà đổ dồn lên đôi vai là những “năm nắng”, “mười mưa”. Phép tăng tiến cho thấy số phận bà Tú gắn với ông Tú là bao vất vả, cơ hàn, lẽ ra nếu ông đỗ đạt thì bà sẽ được hưởng bao là vinh hoa. Nhưng oái oăm thay ông không thể đỗ đạt dù dùng cả đời để thi cử.
- “âu đành phận”, “dám quản công”: bà chấp nhận, chẳng dám nề hà việc làm vợ, làm mẹ đã khó, đây bà còn làm cả trọng trách của người chồng nhưng không một lời than. Có lẽ với bà Tú việc hy sinh, chăm lo, gánh vác gia đình là bổn phận, bà chấp nhận điều đó như một lẽ đương nhiên.
⇒ Hình ảnh bà Tú giỏi giang, tài năng, thấu hiểu, cao cả, chịu thương chịu khó, giàu lòng vị tha, hy sinh thầm lặng cho hạnh phúc gia đình. Có thể nói lấy được bà Tú là thành công lớn nhất trong cuộc đời chỉ toàn thất bại của ông Tú.
Phân tích 2 câu kết
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Hai câu kết là tiếng chửi vừa chua ngoa mà vừa chua chát
- “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: tiếng chửi đó không phải là tiếng chửi của người vợ chịu nhiều vất vả, thiệt thòi mà là người chồng tự chửi mình. Nó cũng đã tố cáo hiện thực xã hội bấy giờ quá bất công với phụ nữ, quá bó buộc để cho người phụ nữ chịu nhiều vất vả, cay đắng.
- Chữ “hờ hững” nghe sao mà đau xót, bà Tú lấy phải một ông chồng bạc bẽo, chẳng giúp gì được cho gia đình, cho vợ, chẳng làm được trụ cột lại còn để vợ phải nuôi, thật là có chồng mà như không, thậm chí còn khổ hơn là không chồng.
⇒ Qua đó thấy được hình ảnh với ông Tú với niềm trân trọng, thương vợ. Có một hình ảnh không xuất hiện trực tiếp là ông Tú nhưng con mắt và trái tim của ông thì luôn hiện hữu. Con mắt ông nhìn rõ mọi đắng cay, cực nhọc hàng ngày và con tim ông thì thấu hiểu những nỗi cô đơn, tâm trạng âm thầm chịu đựng của bà Tú.
Viết kết bài phân tích Thương vợ
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
- Bài thơ nhan đề là “Thương vợ” và mỗi dòng thơ đều vẽ lên lấp lánh những phẩm chất đáng quý của bà Tú. Là niềm yêu, lòng biết ơn sâu sắc với người đã luôn bên ông, gắn bó với ông. Bài thơ cũng thể hiện một cái tôi tự trào, tự cười chính mình. Ở cái thời mà xã hội có luật không thành văn đối với người phụ nữ: “xuất giá tòng phu”, với mối quan hệ vợ chồng thì “phu xướng phụ tùy”. Thế mà có một nhà Nho dám tự thừa nhận mình là ăn bám, không những đã nhận ra thiếu sót, còn dám tự nhận khuyết điểm và với kẻ làm trai, cái danh là lớn vô cùng, tư hạ mình như thế quả là không dễ. Hơn thế nữa còn là tự cười chính bản thân mình, trước hết là tự đặt mình ngang hàng với những đứa con, tự nhận mình là kẻ vô dụng, tự sỉ vả chính bản thân mình, tự thay mặt bà Tú mà chửi chính mình. Thế mới thấy ông Tú có biết bao là khổ tâm.
- Nghệ thuật: sử dụng tiếng Việt tự nhiên, giản dị, giàu tính biểu cảm; hình ảnh được vận dụng sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trào phúng và trữ tình.
- Liên hệ, mở rộng với hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Sơ đồ tư duy phân tích Thương vợ
Thương vợ là bài thơ hay, cho ta hình dung được nỗi lòng yêu thương sâu sắc, chân thành của tác giả dành cho người vợ chịu thương chịu khó của mình. Hy vọng qua đây đã giúp bạn triển khai bài viết hoàn chỉnh dễ dàng, có thể vận dụng hợp lý, sáng tạo những từ ngữ, ý tứ để bài văn thêm hay và hấp dẫn.