Phân tích Người lái đò sông Đà sao cho hay và ấn tượng là điều mà bất cứ học sinh nào cũng mong muốn đạt được trong các bài thi. Trong nội dung chia sẻ dưới đây Tusachtinhhoa sẽ chia sẻ đến các bạn mẫu phân tích và gợi ý cách viết hay nhất giúp các bạn học sinh trau dồi vốn từ, phát triển khả năng diễn đạt, không phải lo nghĩ viết sao cho hay, phân tích sao cho đúng.
Phân tích Người lái đò sông Đà
Hướng dẫn viết mở bài tác phẩm Người lái đò sông Đà
1. Tác giả Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn lớn, nổi tiếng có cái tôi đầy cá tính với phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông là một nhà văn tài hoa uyên bác, luôn khám phá thế giới ở bình diện văn hóa thẩm mỹ.
2. Hoàn cảnh sáng tác Người lái đò sông Đà
Tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Qua hình ảnh con sông Đà thơ mộng nhưng cũng đầy hung bạo, người lái đò anh dũng thì vẻ đẹp thiên nhiên cũng như con người được ca ngợi rõ nét.
3. Sơ đồ tư duy Người lái đò sông Đà
Hướng dẫn viết thân bài tác phẩm Người lái đò sông Đà
1. Hình tượng sông Đà
Nguyễn Tuân đã khắc họa hình ảnh con sông Đà như một con người với hai đặc tính trái ngược, mâu thuẫn mà thống nhất: nguy hiểm, hung bạo và trữ tình thơ mộng. Cả 2 đặc tính này được khắc họa rất đậm và rất mạnh.
Dòng sông Đà “hung bạo”
Sự dữ dội, hung bạo của con sông Đà trước hết được thể hiện ở hướng chảy ngang ngược độc đáo: “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu” (Mọi dòng sông đều chảy về hướng đông – chỉ có Sông Đà chảy theo hướng bắc).
Địa hình sông Đà lắm thác ghềnh, hiểm trở, thác nước chảy dữ dội. Khúc sông Đà hiện lên vừa hẹp vừa sâu vừa tối khiến ai cũng phải rùng mình sợ hãi khi đến đây.
+ “Đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”
+ “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”
Nước thác thì thật ghê gớm:
+ “quãng mặt ghềnh Hát Lóong, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà tóm được qua đấy”
+ “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”,
+ “những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”
Những từ láy “gùn ghè” “cuồn cuộn” vừa gợi sự khủng khiếp vừa tạo ra âm thanh ghê rợn. Nó có thể gây ra nhiều điều nguy hiểm mà không thể nào lường trước được.
Những cái hút nước đáng sợ đã gọi cho người đọc cảm giác như đang xem một bộ phim hành động đáng sợ nhưng rất hấp dẫn.
+ “Có những thuyền đã bị cái hút nước hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”
+ “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khí giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vẩu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…. “.
Đá sông Đà cũng thật sinh động:
+ “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông…, mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện…là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.
+ “Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.”
+ “Đảm tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền…”.
Sông Đà giống như kẻ thù số 1 của con người, vây thành trân để đón đánh người lái đò. Chúng đánh bằng nhiều cách: “đánh giáp lá cà, đánh khuyp quật vu hồi, đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đàn âm…”.
—> Dòng sông Đà đã được tác giả Nguyễn Tuân quan sát, miêu tả chân thực, bằng kho kiến thức sâu rộng cùng khả năng diễn đạt thì ông đã khiến người đọc phải thán phục, ngạc nhiên. Tác giả đã vận dụng đủ mọi giác quan, sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, tưởng tượng, áp dụng ngôn ngữ quân sự, điện ảnh, võ thuật để miêu tả ghềnh đá sông Đà.
Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của dòng sông Đà
Vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Đà cũng được Nguyễn Tuân miêu tả ở nhiều thời điểm, góc độ khác nhau, điều này đã tạo nên những màu sắc, dáng vẻ sinh động.
+ “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”.
Hay được nhìn trong không khí kì ảo, mơ màng:
+ “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khỏi núi Mèo đốt nương xuân”.
Những câu văn mà tác giả sử dụng cũng mang dáng dấp êm ả, mềm mại
+ Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa… Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương… Đàn cá dầm xanh i quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi…”
Nguyễn Tuân đã miêu tả vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà với tất cả tình yêu tha thiết, cảm xúc tinh tế.
2. Hình tượng người lái đò sông Đà
- Về lai lịch: xuất thân được tác giả xóa mờ, ngoại hình được tập trung miêu tả: “thân hình cao to gọn quánh như chất sừng, chất mun” để ca ngợi những con người vô danh nhưng âm thầm cống hiến.
- Tài năng: là người hiểu biết, từng trải, thành thạo nghề lái đò. Là người rất giàu ý chí, lòng can đảm, bản lĩnh, mưu trí, ung dung đối đầu thác dữ “nén đau giữ mái chèo, tỉnh táo chỉ huy bạn chèo”…
Trong trận thủy chiến với sông Đà, một bên hình tượng sông Đà dữ dội hiểm độc, một bên là con người nhỏ bé, vũ khí chỉ là chiếc cán chèo đơn độc, đây là cuộc chiến không cân sức.
Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả Nguyễn Tuân thì người lái đò hiện lên vừa mang dáng vẻ của một nghệ sĩ tài hoa vừa mang tư thế của một anh hùng.
+ “Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”. Nhưng ông đò “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái”
+ “Cưỡi lên thác Sông Đà phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”
+ “Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bị chắc cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”, “đứa thì ông tránh…đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”
—-> Người lái đò chính là biểu tượng của người lao động mới: dũng cảm, cần cù, thông minh. Và cũng nhờ cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên mà con người ngày càng kỳ vĩ, lớn lao.
Hướng dẫn viết kết bài tác phẩm Người lái đò sông Đà
Khẳng định lại nội dung, giá trị tác phẩm
Qua từng trang viết con sông Đà hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại cùng sự thơ mộng, trữ tình. Hai vẻ đẹp tưởng chừng đối lập nhưng lại hội tụ với nhau đã tạo nên vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Hình tượng người lái đò đời thường, vô danh trong cuộc đấu tranh với núi rừng, thiên nhiên để sinh tồn đã được tái hiện như một người anh hùng trên sông nước. Qua đây có thể thấy rõ tình cảm, sự yêu mến của Nguyễn Tuân với thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Nghệ thuật tác phẩm Người lái đò sông Đà
Với vốn tri thức, hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh cùng ngôn ngữ sống động, óc quan sát, nghệ thuật viết tùy bút đã khiến con sông Đà càng được khắc họa rõ nét qua từng trang giấy.
Qua mẫu phân tích Người lái đò sông Đà trên đây hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu quý để học tập tốt hơn. Hãy theo dõi Tủ Sách Tinh Hoa để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé!