Người đua diều: Bức tranh cảm động về đất nước và con người Afghanistan
Tuổi thơ chúng ta có lẽ ai cũng đã một lần được mang diều đi thả trong những ngày trời lộng gió. Những ký ức đẹp đẽ đó có thể bị quên lãng qua bước đi của thời gian. Nhưng với Amir và Hassan trong tiểu thuyết Người đua diều của Khaled Hosseini, con diều đã trở thành linh hồn của cả cuộc đời họ.
1. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi”
Cuốn tiểu thuyết mở ra với bối cảnh đất nước Afghanistan những năm 1970. Khi đó, Amir là con trai của một gia đình giàu có và quyền thế. Hassan là con của người giúp việc, đồng thời là bạn của Amir. Nhưng mối quan hệ của họ không phải là hai chiều. Hassan đối với Amir là một mực trung thành, còn Amir luôn bị ám ảnh vì không đáp ứng được mong mỏi của người cha, trong khi Hassan lại thừa sức làm được.
Nút thắt đầu tiên của truyện được tạo nên trong cuộc đua diều. Vì muốn Amir trở thành người chiến thắng, Hassan đã chấp nhận bị đám bạn hành hạ đến nhục nhã. Trong thời khắc tranh đấu giữa lương tâm và tham vọng, Amir đã để sự ích kỷ chiến thắng. Afghanistan sau đó bị chia cắt bởi chiến tranh. Amir cùng gia đình đi sang Mỹ. Những tưởng cuộc sống ồn ào và vội vã tại Mỹ sẽ trở thành dòng chảy một chiều, khiến Amir quên được lỗi lầm của mình. Nhưng sau bao nhiêu năm, khi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, cậu mới trở lại quê hương cũ để biết được một sự thật đau lòng:
Thật ra Hassan và cậu chính là hai anh em cùng cha khác mẹ. Nhưng sự lạc hậu của văn hóa Afghanistan thời đó khiến cho thân phận của Hassan không được công nhận. Song cậu vẫn chịu đựng, nhẫn nhịn và trung thành hết lòng với Amir.
Câu nói: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi” của Hassan vang lên khiến bất kỳ trái tim sắt đá nào cũng phải đau nhói. Nó trở thành biểu tượng của một tấm lòng nhân hậu, hoàn toàn không vụ lợi của Hassan.
2.“Luôn có một con đường tốt lành để trở lại”
Sau 30 năm lưu lạc nơi đất khách, Amir quay trở về quê cũ và nhận được tin Hassan đã qua đời. Nhưng Khaled Hosseini không để người đọc rơi vào tiếc nuối và vô vọng về một xã hội bất công. Ông đã giúp Amir có một cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình bằng cách cứu Sorab – con trai của Hassan an toàn bên mình.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Sorab vẫn cảm thấy cô độc trong chính gia đình mới. Cuốn tiểu thuyết kết lại bằng một cảnh tượng đầy sức nhân văn và cũng gây nhiều xúc động: Amir đuổi theo và cắt hạ diều cho Sorab – đúng như cách mà Hassan đã làm với cậu khi còn thơ bé. Gấp lại cuốn sách này, người đọc có quyền được cảm thấy thanh thản, có quyền mỉm cười và hy vọng rằng cuộc sống dù có nhiều đau thương, tội lỗi, thì vẫn “luôn có một con đường tốt lành để trở lại”.
3.Nghệ thuật xây dựng tình tiết bậc thầy của Khaled Hosseini
Đánh giá “Người đua diều” ở góc độ tổng thể, chúng ta thấy rằng Khaled Hosseini đã rất khéo léo trong việc tạo nên một trục đối xứng xuyên suốt câu chuyện. Dường như mỗi hành động dù lớn hay nhỏ của các nhân vật đều ẩn chứa một thông điệp về luật nhân quả.
Lúc nhỏ, Hassan đã chịu đựng bị bạn bè bắt nạt để mang về chiến thắng cho Amir. Cuối truyện, Amir cũng chấp nhận mọi hiểm nguy chỉ để bảo vệ cậu bé Sorab. Và cũng vì thế mà Amir mang trên mặt chiếc môi bị sứt – giống với hình hài Hassan khi mới sinh ra bị hở hàm ếch. Cách mà Amir hành động để chuộc lại lỗi lầm của mình, cuối cùng lại khiến cậu trở về sống với tấm lòng nhân hậu, bao dung như Hassan đã sống.
Bên cạnh mối quan hệ trung tâm giữa hai nhân vật Hassan và Amir, tác giả cũng tập trung khắc họa những mối quan hệ khác. Từ đó, ông đề cao tình cảm gia đình, tình cha con, tình yêu, cùng với sự tự tôn của con người Afghanistan. Dù cho chiến tranh khốc liệt, chúng ta vẫn thấy được sức sống của nền văn hóa Afghanistan. Sẽ không quá khi nói “Người đua diều” chính là một bản hùng ca về đất nước này.
Ngoài “Người đua diều”, Khaled Hosseini cũng gây được tiếng vang với cuốn tiểu thuyết “Ngàn mặt trời rực rỡ”. Chắc chắn, đây sẽ là hai cuốn sách để lại nhiều dư vị nhất trong trái tim người đọc.
- Tải: người đua diều pdf
Xem thêm: Khi hơi thở hóa thinh không