Khi hơi thở hóa thinh không – “Tôi còn lại bao nhiêu thời gian ?”
Có bao giờ bạn từng nghĩ đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình?
Nó là sự sợ hãi và luyến tiếc khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết hay đơn thuần là sự ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng? Với ước mơ trở thành bác sĩ đã khiến tôi chú ý tới cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không”.
“Khi hơi thở hóa thinh không” đứng đầu danh mục sách bán chạy của The New York Times trong 68 tuần ở hạng mục phi hư cấu và đã đạt nhiều giải thưởng danh giá khác. Đây là cuốn tự truyện dang dở của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh chuyên nghiệp – Paul Kalanithi, người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi 36, thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của mình…
“When breath becomes air” – “Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây… Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên một khoảnh khắc, và lần nữa… lại là đêm”
Cách truyền đạt tác phẩm dưới ngòi bút của Paul cho ta một cảm giác gần gũi và chân thật đến lạ thường, vì tác giả chính là nhân vật chính và cũng chính là người trải nghiệm toàn bộ câu chuyện.
Cũng như bao người khác, Paul là một người đàn ông với đầy nhiệt huyết và hoài bão, luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình: bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh kiêm nhà khoa học, mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc và viết ra một cuốn sách để đời. “Là một bác sĩ nội trú, lý tưởng lớn nhất của tôi không phải là cứu người – rốt cục thì ai cũng phải chết. Lý tưởng của tôi nằm ở việc giúp đỡ bệnh nhân và gia đình thấu hiểu về bệnh tật và cái chết.”
Trong suốt cuộc đời của mình, Paul đã tiến hành những ca phẫu thuật phức tạp và cứu sống biết bao nhiêu người. Nhưng lần này, bệnh nhân lại chính là anh, căn bệnh ung thư phổi quái ác đã đến ngay cái tuổi còn xuân sắc với biết bao hoài bão vẫn còn dang dở chờ anh thực hiện…
Không dừng lại cho tới lúc chết.
Với một người bình thường, một tuổi trẻ tràn trề năng lượng với bao hoài bão chắc hẳn sẽ tuyệt vọng biết dường nào khi nghe tin mình mắc một bệnh hiểm nghèo.
Nhưng khác với nhiều người lựa chọn sống một cuộc đời đau khổ như không có ngày mai, Paul chọn cách đối mặt chiến đấu với căn bệnh quái ác ấy, mặc dù với cương vị là bác sĩ, trong thân tâm anh rất rõ một điều: ung thư phổi là thứ bệnh dẫn đến chết người một cách nhanh gọn và đầy khốc liệt.
Trong cuốn sách này, anh vừa là bác sĩ, nhưng đau đớn hơn, anh cũng là một bệnh nhân, một bệnh nhân hiểu rõ một cách tường tận về cơ thể đang chết dần của mình. Anh là một người luôn muốn “theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt” và một cách bất ngờ, nó đã đến…Căn bệnh đã đưa anh đến gần hơn những bệnh nhân mà anh từng phụ trách, trải qua những điều mà họ từng trải – những điều mà trước đây anh chỉ có thể nhìn mà không thể cảm nhận.
Nhờ sức mạnh đam mê với công việc phẫu thuật và viết lách, và tình yêu thương chân thành của người vợ, của cha mẹ, những người luôn sẵn sàng bên cạnh anh, giúp đỡ anh trong khoảng thời gian khó khăn nhất của đời mình lại chính là những liều thuốc tinh thần mạnh mẽ nhất giúp anh có động lực để chấp nhận và đối mặt với căn bệnh quái ác ấy.
Anh cố tìm ra những phương pháp khác để hạn chế sự phát triển của những tế bào ung thư thay vì phương pháp truyền thống là hóa trị liệu. Anh sử dụng Tarceva (một loại thuốc giúp ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư), rồi đến việc thực hành những bài tập vật lý trị liệu một cách khó khăn,… bằng những nỗ lực không ngừng, anh đã có thể sống một cách hạnh phúc nhất với những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Cuộc chiến đấu với căn bệnh thật không dễ dàng, bằng cách trần thuật sâu sắc, anh đã đem lại trong tôi những cảm xúc nghẹn ngào. Thông điệp của cuốn sách rất ý nghĩa, mang đến cái nhìn đầy nhân văn về sự sống – cái chết, với những người bệnh ung thư nói riêng, tất cả mọi người nói chung.
Như lúc đầu tôi đã nói, “cái chết” là thứ được nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách, nên khi đọc một mình, sẽ không khỏi khiến tôi không ngừng suy nghĩ về bản thân mình.
Ở Paul, tôi thấy được những khát khao, mong muốn mãnh liệt, không ngừng theo đuổi nó ngay cả khi biết thời gian còn lại của mình ngắn ngủi đến nhường nào. Nó khiến tôi phải tự nhìn nhận và tự hỏi lại bản thân, liệu mình đã thực sự hiểu rõ chính mình, biết quan tâm đến sức khỏe, sống cuộc đời đầy ý nghĩa và dành trọn tình yêu thương đến những người mình yêu quý và trân trọng hay chưa?
Hãy thử dừng lại và tự hỏi…
Liệu bạn có đang đối xử lạnh nhạt với những người luôn yêu thương mình?
Liệu bạn có đang sống một cuộc đời mông lung vô định, không có mục đích?
Và… …liệu bạn có đang sống nhưng không thật sự là sống ? Phải chăng, cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Hãy sống như thể, ngày mai bạn phải chết. Như Paul đã nói, “Even if I’m dying, until i actually die, I’m still living”.
Cuộc sống không lường trước được điều gì, vì vậy, từng giây, từng phút, chúng ta hãy đối diện với nó – nỗ lực làm việc, cống hiến hết mình, hãy cùng người bạn yêu thương giữ gìn từng chút thời gian hạnh phúc bên nhau, và quan trọng nhất, sống là chính mình. Cái chết không quá đáng sợ như chúng ta tưởng tượng, coi nó nhẹ nhàng tựa thinh không (dù biết làm được điều này là không hề đơn giản).
Tất cả những gì Paul kể, tự mỗi người trong chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình, nhìn từ những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, đó thật là một câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng đến bạn đọc và sẽ mãi mãi là như vậy.
Bill Gates đã ca ngợi cuốn sách trên blog cá nhân của mình: “Tôi không phải là loại người mau nước mắt và cũng ít khi đọc những tác phẩm hút nước mắt người xem. Ví dụ như cuốn “The Last Lecture of Tuesdays with Morrie”, tôi không ưa cuốn đó mấy. Thế nhưng cuốn sách When Breath Becomes Air thật sự được tôi ngưỡng mộ và nó đã làm tôi rơi nước mắt”.