Kim Lân – cây bút độc đáo của làng quê Việt Nam, ông là thế hệ diễn viên đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trên bình diện văn học, Kim Lân là một nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Sự nghiệp văn học của Kim Lân tuy không đồ sộ thế nhưng lại vô cùng đặc sắc và khó trộn lẫn. Đặc biệt với khả năng sáng tạo, hoạt động không ngừng nghỉ của mình, ông còn lấn sân sang lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Cũng giống như viết văn, tuy ông đóng phim không nhiều thế nhưng vai diễn nào cũng trở thành kinh điển.
Xem thêm:
- Nguyễn Khuyến – nhà thơ của quê hương, làng cảnh VN
Tiểu sử cuộc đời của tác giả Kim Lân
Kim Lân – Phận “vợ lẽ, con côi”
Tên thật của nhà văn Kim Lân là Nguyễn Văn Tài, ông sinh ngày 1 tháng 8 năm 1920 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn nay thuộc phường Đông Ngàn, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền – con gái đầu lòng trong 7 người con của nhà văn nói rằng: “Sinh thời thầy tôi thường mang nhiều mặc cảm, tuổi thơ của ông là cả một tấn bi kịch của kiếp “vợ lẽ, con côi”. Mẹ của ông là vợ thứ ba trong nhà. Truyện ngắn đầu tiên “Đứa con người vợ lẽ” có cảm hứng từ nỗi cơ cực, tủi hờn của chính cuộc đời nhà văn.
Kim Lân từng kể rằng: “Mẹ tôi là vợ ba, là dân ngụ cư, quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng. Làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi, bị gia đình chồng coi thường, phải hầu hạ như một vú em trong nhà.”
Do hoàn cảnh gia đình thiếu thốn khó khăn nên Kim Lân chỉ học hết bậc Tiểu học rồi đi làm. Là con nhà nghèo ở trong một làng giàu, người lại gầy gò, xấu xí, ông thường mặc cảm chỉ đến chơi nhà người bạn thân là Nguyễn Văn Bảy – một người cũng có máu văn nghệ ở làng, sau này trở thành người tham gia sáng lập Xưởng phim truyện Việt Nam đầu tiên.
Bấy giờ ông Nguyễn Văn Bảy có người em gái ruột xinh xắn, Kim Lân thích nhưng không dám nói, sau này ông Bảy biết ghép đôi cho thế là họ nên vợ nên chồng. Vì hai vợ chồng đều là con nhà nghèo nên dễ dàng thông cảm cho nhau. Kim Lân đi kháng chiến, viết văn, truyện gia đình phó thác hết cho bà, bà làm đủ thứ nghề từ buôn bán hàng rong cho tới may vá, mở hàng bán nước kiếm từng đồng để nuôi chồng, nuôi con. Họ có 7 người con, sau này hết 5 người làm họa sĩ.
Nhờ chịu khó quan sát suy ngẫm, có nhiều dịp đi đến nhiều làng xã nên từ hồi còn ít tuổi, Kim Lân đã có vốn hiểu biết khá dày dặn về cuộc sống của vùng Kinh Bắc quê hương. ÔNg sớm nổi tiếng ở làng là người tài hoa, còn thành lập nhóm bạn đến diễn kịch, vẽ tranh. Do yêu thích vở cải lương “Đường về San Hậu” nên khi bước vào nghiệp văn, Nguyễn Văn Tài lấy bút danh là Đổng Kim Lân – tên nhân vật trong vở cải lương này. Về sau thấy Đổng Kim Lân dài quá, ông rút lại chỉ còn Kim Lân.
Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Kim Lân
Phong cách sáng tác và tác phẩm nổi tiếng của Kim Lân
Kim Lân bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo vào những năm 1941 – 1944, ông được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ, cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc Bộ. Đặc biệt cùng với chất liệu của đề tài làng quê Việt Nam, nơi những tên tuổi lớn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố đã khai thác tưởng chừng ở mức thấu triệt, Kim Lân lại có cho mình chỗ đứng riêng, rất vững trong lòng độc giả và thách thức với thời gian.
Khác với tư tưởng của những cây bút cùng đề tài làng quê, trong văn của Kim Lân không bao giờ bị vẻ tuềnh toàng, lam lũ, thô mộc vây bủa. Ông được dư luận chú ý khi đi vào những đề tài độc đáo như: tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê Kinh Bắc, chọi gà, đánh vật, thả chim.
Những truyện “Đôi chim thành” , “Con mã mái”, “Chó săn” kể lại một cách sinh động những thú chơi kể trên đã biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước cách mạng tháng 8 khổ nghèo, cực nhọc nhưng vẫn yêu đời, trong sáng và tài hoa. Chính vì thế giá trị lớn nhất và cao nhất trong các tác phẩm của Kim Lân chính là giá trị nhân đạo.
Từ hoàn cảnh, bóng tối Kim Lân muốn làm tỏa sáng một chất thơ của hồn người, tư tưởng này xuyên suốt trong các tác phẩm ông và có thể nhận thấy rõ nhất trong “Vợ nhặt”. Kim Lân cho biết, khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự bi thảm và khốn cùng. Khi viết về con người nạn đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ tới cái chết. Ông muốn viết một truyện ngắn với ý khác, trong hoàn cảnh khốn cùng, họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.
Sau này, Kim Lân vẫn viết về nông thôn nhưng ông đề cập tới sự đổi mới của người nông dân trong cách mạng và kháng chiến.
Nhìn một cách hệ thống những nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm Kim Lân viết trước cách mạng tháng tám đến những tác phẩm sau này, người đọc dễ dàng nhận ra nét riêng của ông, là một ngòi bút sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mỉ luôn cố gắng đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người, từng số phận riêng để từ đó góp vào tiếng nói riêng vào trang sử chung về tâm tư, tình cảm con người Việt Nam của văn học hiện đại.
Truyện “Làng” và “Vợ nhặt” đã được NXB Giáo dục tuyển chọn đưa vào Bộ sách nhà văn và tác phẩm dùng cho phần giảng văn của học sinh trong các trường Phổ thông trong cả nước.
Sự nghiệp diễn xuất của Kim Lân – thế hệ diễn viên đầu tiên của nền điện cảnh cách mạng VN
Với phim ảnh, cơ duyên đến với Kim Lân khôn phả do ông có mối quan hệ với các đạo diễn, quen mà cho vai mà bởi nhà văn có nhiều tài lẻ. Khi ông đi làm phim dường như không có ai biết.
Kim Lân còn để lại trong lòng khán giả những vai diễn ấn tượng. Ông đóng phim rất ít nhưng vai nào cũng gây được cảm hứng nghệ thuật tốt cho người xem. Ngoại hình, gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thật, Kim Lân đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Vai diễn ám ảnh nhất, vĩ đại nhất của ông phải kể đến Lão Hạc trong bộ phim Lão Hạc ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ông thủ vai xuất sắc một Lão Hạc gầy gò, ốm yếu, khắc khổ, thương xót vật nuôi. Từ cảnh Lão Hạc dỗ cậu vàng, lừa cho cậu ăn để người ta gô cổ đem đi bán đến cảnh lão ăn bả chó tự tử đều khiến cho người xem phải rơi nước mắt. Kim Lân diễn đạt như vậy, một vì ông chơi thân với nhà văn Nam Cao nên rất hiểu những ý nghĩa mà bạn mình gửi gắm vào các nhân vật.
KIm Lân còn đóng một số vai phụ khác: Lão Pẩu trong phim “Con Vá”, Cả Khiết trong vở “Cái tủ chè” của Vũ Trọng Can, Cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”, Bủ vả trong phim “Vợ chồng A Phủ”, Vai ông bố làm vàng mã trong phim Những giấc mơ bằng giấy.
Những trăn trở về nghiệp viết văn của nhà văn Kim Lân
Đối với Kim Lân, cách mạng không chỉ mang lại sự thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình mà còn giúp đổi thay sự nghiệp cầm bút của ông. Khi tham gia sự nghiệp văn hóa cứu quốc, ông được gặp và trao đổi với các nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài,… từ đó cách viết của nhà văn bắt đầu thay đổi từ viết theo bản năng sang viết chuyên nghiệp.
Sáng tạo hay cái bịa đôi khi trở nên thực. Hiện thực chỉ là chất liệu thô, qua lăng kính nhà văn thì hiện thực được thăng hoa. Đó cũng chính là điểm mấu chốt thể hiện tài năng của nhà văn.
Một điều nữa khiến cho Kim Lân trăn trở là việc các cây bút thường viết chạy theo thời sự nói về chính sách hay một cuộc chiến đấu nhằm cổ vũ cho cuộc chiến hay chính sách đó. Kim Lân tỏ ra không thích dùng kiểu lý lẽ trong những trang viết theo đề tài này, theo ông dùng lý lẽ để thuyết phục trong văn chương cũng là một thứ cưỡng chế.
Những nhận định về Kim Lân và tác phẩm của ông
Nguyên Hồng đánh giá: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn.”
Nhà giáo Trần Đồng Minh thì nói “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện “Vợ nhặt” đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã loé lên những tia sáng ấm lòng.”
Hà Đức Minh: “Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân đã tạo được cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc.”
Tiến sĩ Trần Đăng Suyền thì đánh giá: “Thành công của Kim Lân, ngoài ý thức nghiêm túc về lao động nghệ thuật, chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh, và một vốn sống tự nhiên của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng.”
Nhà văn Kim Lân đã tâm sự về cuộc đời mình: “Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bè bạn, với làng xóm tôi chọn cách viết. Đây là cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, không thua gì ai. Các anh con nhà giàu, làm việc này việc kia, được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi thì tôi viết.”
Kim Lân là nhà văn lớn lên trong gia đình nghèo khổ, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, chính những yếu tố đó đã giúp ông viết lên những tuyệt tác văn học giá trị, để lại nhiều di sản tinh thần có ý nghĩa lớn lao. Hy vọng qua bài viết trên đây đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể về cuộc đời cũng như sự nghiệp của nhà văn Kim Lân.