Cây cam ngọt của tôi – một tác phẩm của tác giả José Mauro sẽ đưa bạn trở về tuổi thơ với tâm hồn ấm áp, trong veo, luôn khao khát được yêu thương. Độc giả sẽ được ngụp lặn trong quá trình lớn lên của một cậu bé với những hạnh phúc và khổ đau. Đây là một câu chuyện sẽ khiến bạn thổn thức ngay sau khi đọc xong.
José Mauro – Tác giả “Cây cam ngọt của tôi”
Tác giả José Mauro là nhà văn Brazil thế nhưng ông mang hai dòng máu Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Ông sinh năm 1920 và mất vào năm 1984. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Rio de Janeiro, để trang trải cho cuộc sống thì ông phải làm đủ nghề.
Ông không được ban cho một gia đình giàu có thế nhưng trời phú cho José Mauro một vốn sống phong phú, trí tưởng tượng tuyệt vời và một trí nhớ phi thường. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm 22 tuổi với cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên là “Banana brava”. Trong hơn 40 năm của sự nghiệp sáng tác thì ông đã để lại hơn 20 tác phẩm với giọng văn nhẹ nhàng, thấm đọng lòng người.
“Cây cam ngọt của tôi” là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của công, nó đã khiến hàng triệu trái tim trên khắp thế giới phải thổn thức. Bên cạnh đó thì tác giả cũng rất thành công trong vai trò biên kịch và diễn viên điện ảnh.
Về tác phẩm “Cây cam ngọt của tôi”
“Cây cam ngọt của tôi” được cho ra mắt độc giả vào năm 1968, cuốn tiểu thuyết được xem là lời tự truyện của chính tác giả José Mauro về cuộc sống cá nhân và những thay đổi đột ngột trong thời thơ ấu.
Với ngôn ngữ giản dị và cách biểu đạt gần gũi, cuốn tiểu thuyết được đưa vào chương trình Tiểu học của Brazil, xuất bản trên 20 quốc gia và chuyển thể thành phim điện ảnh. Chỉ sau vài tháng đầu sau khi được xuất bản thì quyển sách này đã bán được 217.000 bản và nó cũng trở thành tác phẩm văn học bán chạy nhất trong lịch sử văn học Brazil.
Nội dung chính “Cây cam ngọt của tôi” – Câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi nhưng đầy chiêm nghiệm
“Cây cam ngọt của tôi” xoay quanh góc nhìn của cậu bé Zeze – một cậu bé 5 tuổi được sinh ra trong gia đình nghèo, đông con. Ở Zeze hội tụ đầy đủ những cá tính của một đứa trẻ thông minh, hiếu động, tinh nghịch, đáng yêu và nhiều mơ ước.
Do hoàn cảnh khốn khó khi bố bị thất nghiệp và mẹ phải đi làm cả ngày, không có ai chơi cùng thế nên cậu thường tự nghĩ ra những trò chơi riêng cho mình, thậm chí là mấy trò nguy hiểm, dại dột, phá phách bạn bè, làng xóm. Nhiều người trong gia đình nghĩ Zeze là một đứa trẻ hư và trừng phạt cậu bằng những trận đòn roi mỗi khi cậu gây ra rắc rối. Có lẽ do không được thấu hiểu và bị cái đói nghèo đè nặng nên ngay từ nhỏ Zeze đã sớm trưởng thành và có những suy nghĩ hiểu chuyện đến đau lòng.
Sau khi chuyển sang nhà mới, Zeze tìm thấy một cây cam nhỏ ở sau vườn, cậu quyết định làm bạn với nó, mỗi khi có chuyện vui hay buồn thì cậu đều chia sẻ với cây cam ngọt bởi nó là người duy nhất chịu lắng nghe cậu thay vì một gia đình với những trận đòn roi và bạo lực. Đã có những lần Zeze ăn đòn tưởng thừa sống thiếu chết, cậu nghĩ chẳng ai cần đến mình nữa, cậu đã muốn chết đi hoặc muốn trả thù chính người cha của mình. Trong hành trình rời bỏ tuổi thơ của câu thì cây cam ngọt vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng.
Có lẽ những suy nghĩ tiêu cực ấy sẽ còn đeo bám cậu nếu Zeze không gặp và kết thân với ông Bồ – người đã cho cậu cảm nhận được tình yêu và sự che chở. Ông Bồ hiện lên trong cuốn tiểu thuyết hiện lên như là một ánh sáng cứu sinh cho cả tuổi thơ và có lẽ là xuyên suốt trong hành trình trưởng thành của Zeze sau này. Cùng với ông Bồ, cũng có rất nhiều chi tiết khiến độc giả cảm thấy ấm lòng khi đọc cuốn sách này.
Mọi người luôn nói bên trong đứa trẻ nghịch ngợm này là con quỷ thế nhưng thực chất trong cậu luôn tồn tại một thiên thần thiện lương. Cậu đi hát rong để mang về những cuốn sổ bài hát dành tặng chị gái Glória, để em trai nín khóc thì cậu nhường em món đồ chơi duy nhất ở nhà. Vì thấy cô giáo là người duy nhất không có hoa, cậu đã hái trộm hoa đặt vào chiếc bình trống trên bàn cô giáo. Ngày giáng sinh, cậu đã đi đánh giày để mua một bao thuốc lá đắt tiền tặng bố. Trong đứa trẻ ấy vẫn luôn tồn tại một thiên thần nhỏ tốt bụng, chỉ có điều vì cái nghèo đói khiến người ngoài không thể nhận ra điều đó.
Review cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi”
Không giống những tựa sách dành cho thiếu nhi là tập trung vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú hay những phép thuật thần tiên đầy cổ tích, “Cây cam ngọt của tôi” là tập hợp những câu chuyện, sự kiện đời thường, gần gũi, chân thật, nơi mà bất kỳ đứa trẻ hoặc người trưởng thành nào cũng có thể tìm thấy bản thân mình trong đó. Thử hỏi xem có đứa trẻ nào hồi nhỏ chưa từng ăn đòn roi từ bố mẹ hay có những suy nghĩ điên rồ hay bày trò quậy phá.
Những sự kiện mà Zeze trải qua cũng là những sự kiện mà ít nhiều mỗi người chúng ta cũng từng gặp một lần. Chính bởi thế cuốn tiểu thuyết đã tạo được cảm giác giản dị, gần gũi nơi bạn đọc thế nhưng bên cạnh đó cuốn sách này cũng đem tới những góc nhìn đầy chiêm nghiệm. Đó là những góc nhìn về tuổi thơ, về cách mà chúng suy nghĩ, trưởng thành, về cách nuôi dạy của người lớn và về cả tình thương trao đi như thế nào là đúng. Tất cả đã đem lại những trải nghiệm khó quên cho người đọc.
Lũ trẻ cần nhiều yêu thương, sự thấu hiểu hơn là trách phạt, đòn roi
Trong suốt cuốn thiên truyện, hầu như mỗi khi Zeze ở cùng gia đình, cũng là lúc cậu bị mắng chửi hoặc ăn đòn. Những trận đòn roi ấy được xuất phát từ chính những thành viên trong gia đình cậu. Tuy nhiên liệu những trận đòn roi sẽ khiến Zeze tốt hơn hay sẽ chịu nhiều nỗi đau và sự buồn tủi vì không được thấu hiểu.
Có thể thấy sau những trận đòn roi của cha thì Zeze lại trở nên tiêu cực và có những suy nghĩ không được tốt đẹp. Khi các trận đòn roi đạt đến mức đỉnh điểm, cậu đã cho rằng không còn ai thương mình nữa và muốn chết. Khoảnh khắc khi Zeze quyết định giết cha trong trái tim của mình đã chứng tỏ một điều rằng đòn roi không hề giúp lũ trẻ tốt lên, thậm chí là xấu đi.
Những đứa trẻ luôn có trí tưởng tượng, góc nhìn, sự sáng tạo riêng, có đôi khi những hành động của chúng là quá khích và để lại một số hậu quả nhưng thay vì đánh phạt, trách mắng thì chúng ta có thể ngồi lại lắng nghe, giảng giải để cho chúng thấu hiểu, biết rằng thế là sai. Như cách ông Bồ tiến đến với thế giới của Zeze bằng cách cảm thông và chia sẻ. Bạn cũng nên thử tiến đến với lũ trẻ như vậy bởi chúng cần nhiều sự thấu hiểu, yêu thương hơn là sự trách phạt, đòn roi.
Ai cũng có những nỗi khổ riêng nhưng xin đừng quên yêu thương
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ không thích bố của Zeze bởi sư bạo lực của nhân vật này nhưng ở một khía cạnh nào đó, người bố ấy cũng có những nỗi khổ riêng cần được giải tỏa và chia sẻ. Áp lực từ hoàn cảnh nghèo khó phải chu cấp cho gia đình và nỗi lo thất nghiệp đã khiến người đàn ông này suy sụp. Đó là lý do ông thường xuyên đi uống rượu và không về nhà, sự tiêu cực dồn nén lâu sẽ bùng phát nên khi đánh Zeze, dù biết điều đó là sai nhưng bố cậu vẫn làm.
Những phân cảnh ôm cậu con trai bé bỏng vào lòng và xin lỗi cho thấy tình cảm của ông dành cho Zeze vẫn còn rất nhiều. Khi ông không mua được quà Giáng sinh cho các con của mình thì ông cũng cảm thấy tủi nhục, xấu hổ. Tuy nhiên cái sự nghèo khó đã như ăn tươi nuốt chửng bản thân ông. Giá như công việc của ông vẫn ổn định, trang trải, chu cấp cho gia đình đầy đủ thì có lẽ tình cảm giữa hai cha con đã hoàn toàn khác và có lẽ Zeze không có một tuổi thơ không đòn roi và nhiều yêu thương hơn.
Trong cuộc sống mỗi người có thể phải đối diện với rất nhiều áp lực và ai cũng sẽ có những nỗi khổ riêng thế nhưng thay vì áp đặt sự khổ sở nên những người xung quanh thì chúng ta có thể thay thế bằng sự chia sẻ, yêu thương. Tin rằng khi yêu thương đủ nhiều thì mọi thứ có thể thay đổi, cuộc đời đã quá khó khăn rồi, nên chúng ta cũng khó khăn với người khác, vậy phải chăng cuộc đời chỉ toàn những điều tồi tệ và không còn đáng để sống sao? Cuộc đời vẫn sẽ thật đáng sống và ai trên đời này cũng đáng được yêu thương.
Những câu nói day dứt trong “Cây cam ngọt của tôi”
- “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này”
- “Ai đã ở trên đời, thì tức là người đó xứng đáng được sinh ra con ạ. Con cũng thế”
- “Vị chua chát của cái nghèo hòa trộn với vị ngọt ngào khi khám phá ra những điều khiến cuộc đời này đáng sống.”
- “Tại sao người ta lại nói cho bọn trẻ biết nhiều chuyện như vậy trong khi chúng còn bé như thế?”
- “Giờ đây tôi đã thực sự biết đau đớn là gì. Đau đớn không phải là bị đánh đến bất tỉnh. Đau đớn không phải là bị một mảnh thuỷ tinh cứa rách chân phải khâu nhiều mũi ở hiệu thuốc. Đau đớn là thế này đây: toàn bộ trái tim tôi nhức nhối, và tôi phải mang nó xuống mồ.”
- “Trái tim chúng ta cần phải đủ lớn để có chỗ cho tất cả mọi thứ chúng ta yêu thương.”
- “Chị thấy đấy, Gió. Em chẳng làm gì cả. Khi đáng bị đánh thì em chấp nhận. Nhưng đằng này em chẳng làm gì nên tội.”
- “Không phải giết ông ấy có nghĩa là chộp lấy khẩu súng lục của Buck Jones và bắn bùm! Không cần phải thế. Ông có thể giết một người nào đó trong trái tim ông. Không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết.”
- “Tôi vuốt đầu nó, lòng trào dâng xúc động, và lần đầu tiên tôi cảm nhận được rằng đầu nó thật mượt và rằng ngay cả loài dơi cũng thích sự ân cần.”
Đến với “Cây cam ngọt của tôi”, bạn có thể vừa khóc vừa cười và cảm nhận mọi cảm xúc của bản thân khi hòa mình vào câu chuyện tuổi thơ của một cậu bé 5 tuổi để rồi sau đó lắng đọng cùng những bài học, chiêm nghiệm và thông điệp về cuộc đời con người, về cách trao đi tình yêu thương như thế nào là đúng. Cho tới khi khép lại cuốn sách thì tất cả các độc giả đều trả lời cho câu hỏi:”Cuộc đời có đáng sống hay không?” Có, cuộc đời vẫn vô cùng đáng sống và mỗi con người đều xứng đáng được yêu thương.