Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn của nền văn học nước ta, ông được mệnh danh là nhà thơ của quê hương, làng cảnh Việt Nam. Thơ của ông luôn thể hiện sự nhẹ nhàng, mang đậm những triết lý nhân văn, bài học sâu sắc. Hãy cùng Tusachtinhhoa tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Khuyến nhé!
Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Nguyễn Khuyến
Từ nho sinh chuyên thi trượt đến “Tam Nguyên Yên Đổ”
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự là Miễu Chi, sinh ngày 15/2/1835 tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam. Quê nội của ông là làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và), xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi, đỗ 3 khóa tú tài, làm nghề dạy học, mẹ ông là con của Trần Công Trạc, từng đỗ Tú tài thời Lê Mạc. Thuở nhỏ, Nguyễn Thắng học với cha, đến năm lên 8 tuổi ông theo gia đình về quê nội sinh sống. Dù nhà nghèo nhưng Nguyễn Thắng vẫn bền chí học tập. Khi ông đi học còn không quên mang theo cái dậm, khi tan học thì lại tranh thủ ra đồng kiếm cua đến tối mới về.
Đến năm 17 tuổi, Nguyễn Thắng lấy vợ và lần đầu tham gia kỳ thi Hương nhưng bị trượt. Kế đó, cha mất, ông phải đi dạy học để tự kiếm sống và nuôi mẹ.Thương cảm chàng nho sinh nghèo hiếu học, cụ Nghè Vũ Văn Lý đã gọi ông đến nuôi cho ăn học. Kể từ đó cho tới năm 1864, Nguyễn Thắng thi thêm 3 lần nữa nhưng lần nào cũng trượt.
Năm 1864, thầy đồ Thắng lại lên đường đi thi Hương, khoa Giáp Tý tại trường Hà Nội. Khi đó do gia cảnh túng bấn, vợ ông phải chạy vạy khắp nơi để chồng có tiền đi thi. Cuối cùng ông đã đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) thế nhưng sang năm sau ông lại trượt kỳ thi Hội.
Nguyễn Thắng tu chí, quyết định ở lại Kinh đô học trường Quốc tử giám và đổi tên thành Nguyễn Khuyến với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa. Đến năm 1871, đỗ đầu cả kỳ thi Hội và thi Đình. Vì đỗ đầu ở cả 3 kỳ thi nên Vua Tự Đức đã ban cho ông cờ biểu và thêm 2 chữ Tam Nguyên, cũng từ đó người đời gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.
Chí lớn không thành
Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn gần như sụp đổ. Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Cuối năm đó, Đại úy Francis Garnier của Pháp được thống đốc Nam Kỳ giao cho nhiệm vụ mở rộng xâm lược Bắc Kỳ. Trong trận Cầu Giấy 21/12, Francis Garnier bị Liên quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Tá Viêm chém đầu. Để tạo bầu không khí thuận lợi cho nhà nước ký Hòa ước Giáp Tuất 1874, Tổng đốc Hà Nội tổ chức lễ truy điệu, Nguyễn Khuyến được cử đứng ra viết văn tế. Sẵn lòng căm thù giặc, ông liền viết bài Văn tế Ngạc Nhi với rất nhiều ý trào lộng, mỉa mai khiến các quan trên khi diệt đều hoảng sợ cấm không cho đọc. Bài văn tế chống giặc này nhanh chóng nổi tiếng như bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Đến năm 1877 Nguyễn Khuyến được thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau ông bị giáng chức và điều về Huế làm chức Trực học sĩ với nhiệm vụ coi sóc Quốc Sử Quán. Năm 1883, Pháp tấn công kinh thành Huế, triều đình ký hàng ước năm Quý Mùi, uất hận Nguyễn Khuyến cáo quan về nhà để không làm quan bù nhìn nhưng vẫn được phong làm Tham tri tuy nhiên để tránh sự nghi kỵ của giặc, ông vẫn cho con là Nguyễn Hoan ra làm quan.
Năm 1885, Tôn Thất Thuyết phản công tại Kinh thành Huế không thành, phải rút lên Quảng Trị, nhân danh Vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã. Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan hẳn để về ở ẩn. Đến năm 1909, Nguyễn Khuyến từ giã cõi trần tại quê nhà Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến – nhà thơ của quê hương, làng cảnh Việt Nam
Phong cách sáng tác của Nguyễn Khuyến
Có thể nói Nguyễn Khuyến là một nho sĩ được đào tạo theo khuôn mẫu đạo đức Nho giáo. Với ông, nam nhi phải có nghĩa vụ học hành, đỗ đạt làm quan để thờ vua giúp nước, thực hiện nhiệm vụ trí quân trạch dân, vừa giúp vua vừa làm cho dân được nhờ. Thế nhưng do chí lớn không thành nên hầu hết những bài thơ của Nguyễn Khuyến được lưu truyền đến hôm nay đều là những sáng tác được viết khi ông đã từ bỏ vinh hoa, về với cuộc sống dân dã của làng quê.
Trước Nguyễn Khuyến, nông thôn và cuộc sống sinh hoạt của người dân không phải là đối tượng để nhà thơ phản ánh mà chỉ đóng vai trò duyên cớ để tác giả bày tỏ đạo lý. Đó là lý do chúng thường là những hình ảnh tượng trưng, ước lệ.
Đến Nguyễn Khuyến thì những thứ thân thuộc, quê mùa như ao cá, ruộng vườn, bụi tre, tiếng ếch kêu, làng mạc, tiếng chim ríu rít, vi chua mặn của mồ hôi, vị cay đắng của cơ cực đã đi vào thơ một cách tự nhiên và đã sống lại ở đấy.
Cũng chính vì lẽ đó mà Xuân Diệu đã gọi Nguyễn Khuyến là “nhà thơ của quê hương, làng cảnh Việt Nam”. Ba bài thơ “Thu vịnh”, “Thu điếu” và “Thu ẩm” của ông được coi là những sáng tác đặc trưng nhất về mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và mùa thu của Việt Nam nói chung.
Không chỉ vậy, Nguyễn Khuyến còn được coi là một nhân cách Việt Nam tiêu biểu thời bấy giờ. Về ở ẩn nơi làng quê nhưng ông vẫn giữ được khí tiết, phẩm chất của một người yêu nước chân chính và hòa mình vào cùng với nhân dân. Đọc thơ Nguyễn Khuyến, người ta như cảm thấy day dứt bởi nỗi đau của một người ưu thời mẫn thế.
Nghệ thuật thơ văn của Nguyễn Khuyến
Có lẽ Nguyễn Khuyến là cái tên không ai vượt qua được khi nhắc về nghệ thuật ngôn từ. Với sự sáng tạo, ngôn ngữ đầy màu sắc được miêu tả qua những dòng thơ đầy gợi cảm, mỹ lệ. Để khiến thơ văn của mình trở nên phong phú hơn thì ông cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi những nhà thơ Nôm đi trước.
Cách dùng từ của Nguyễn Khuyến rất thông minh, câu văn câu thơ chân thực, giàu nhạc điệu. Những hình ảnh được gợi tả chân thực, đi vào lòng người.
Ngôn ngữ trào phúng hóm hỉnh, nhiều cung bậc, cường điệu với lối chơi chữ điêu luyện, tài tình. Ông đã vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật thơ ca, không gò bó, giàu tính tạo hình. Có thể nói ông đã đưa thơ Nôm, ngôn ngữ thơ trở nên hiện đại, tinh tế, vươn đến trình độ mới.
Những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Khuyến
Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khuyến như: Yên Đổ thi tập, Quế Sơn thi tập, Cẩm Ngữ, Bách Liêu thi văn tập,… Cùng với đó là nhiều bài ca, văn tế, hát ả đào và nhiều câu đối truyền miệng.
Tác phẩm Quế Sơn thi tập có khoảng hơn 200 bài thơ được viết bằng chữ Hán và hơn 100 bài được viết bằng chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng, vừa là nhà thơ trữ tình và thành công ở cả 2 mảng đó.
Những tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Khuyến khiến cho người đọc ở biết bao thế hệ phải xúc động, suy ngẫm. Những câu thơ là nỗi day dứt, niềm băn khoăn với nước mắt và nụ cười của tác giả.
Ngôi từ đường trăm tuổi của cụ Tam Nguyên
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến nằm ở Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam vẫn giữ được nét đặc trưng của vùng đồng quê chiêm trũng.
Cổng vào từ đường có 3 chữ Nho: Môn Tử Môn, nghĩa là cửa ra vào của học trò. Trước khi vào nhà thầy, cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Trong nhà lưu giữ nhiều báu vật gia truyền cùng nhiều câu chuyện ly kỳ ẩn trong đó.
Ngoài ngôi từ đường, Vườn Bùi cũng trở thành một địa chỉ văn hóa cho du khách đến thăm. Người dân giải thích cụ Nguyễn có gốc gác từ Nghệ An, ở đó người dân gọi cây vối là cây bùi mà trong vườn lại trồng rất nhiều vối nên gọi là Vườn Bùi. Nguyễn Khuyến từng viết: “Vườn Bùi chốn cũ. Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”.
Trong sân nhà còn có 3 cây nhãn do con trai Nguyễn Khuyến đã xin hạt về trồng sau khi ra Kinh đô mừng thọ Vua Tự Đức. Trước nhà có ao thu trồng sen.
Nhà từ đường của Tam Nguyên Yên Đổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Nhiều năm nay nơi đây đã trở thành địa chỉ du lịch tham quan của những nhà nghiên cứu và du khách gần xa, những người muốn đến để tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ.
Mong rằng những thông tin về nhà thơ Nguyễn Khuyến mà chúng tôi cung cấp trên đây sẽ hữu ích cho bạn. Càng đọc, tìm hiểu, suy ngẫm về cuộc đời, sự nghiệp của ông thì ta càng thêm trân quý ông – một người có đức, có tài với lòng yêu nước thương dân vô hạn.