Hàn Mặc Tử – người chỉ đến với cuộc đời như một ngôi sao băng ngắn ngủi nhưng ông đã để lại sự nghiệp văn học vô cùng giá trị, không thể trộn lẫn. Một tâm hồn thơ lạ lùng và dạt dào của “vườn hoa Thơ mới”. Tham khảo ngay bài phân tích Đây thôn Vĩ Dạ để cảm nhận rõ hơn sự độc đáo, thế giới tình cảm đầy nhạy cảm và phong phú của Hàn Mặc Tử thể hiện qua bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ và bức tranh tâm cảnh của thi sĩ.
Xem thêm:
- Top bài phân tích Người lái đò sông Đà chọn lọc hay nhất
Dàn ý phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Hướng dẫn viết mở bài tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ
Giới thiệu tác giả và tác phẩm
Hàn Mặc Tử – một tâm hồn, trái tim lãng mạn, dạt dào yêu thương đã bật lên những tiếng thơ. Những vần thơ đã được thả vào những cảm xúc được chắt lọc, thăng hoa từ những nỗi đau trong tâm hồn.
Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ được cho ra đời trong những giây phút tuyệt diệu ấy. Ở bài thơ thì thiên nhiên tươi đẹp được hòa quyện với cái tình mặn nồng, mối tình riêng đã ở trong mối tình chung.
Sơ đồ tư duy phân tích Đây thôn Vĩ Dạ
Hướng dẫn viết thân bài tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ
Phân tích khổ thơ đầu tiên
- Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ mở đầu với câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
- Chúng ta có cảm giác như đây là lời mời gọi, trách móc yêu của người con gái thôn Vĩ, trong nó ẩn chứa cả sự ngóng trông da diết và sự hờn dỗi.
- Thực tế thì chẳng có người con gái nào cả, đó là lời tự vấn của nhà thơ. Ta càng thấy nỗi niềm u uất, đau xót khi không thể trở về nơi mình từng gắn bó, nơi có người mình hằng yêu thương.
- Dù rằng không thể quay về thế nhưng cảnh thiên nhiên nơi thôn Vĩ vẫn được mở ra: “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”.
- Đây là cuộc hành trình trong tâm thức.
- Trong quan sát của nhà thơ, cái nắng hiện lên vẻ tươi mới, tinh khôi. Nó không phải cái nắng dịu nhẹ của mùa thu, cũng không phải cái nắng rực rỡ của mùa hè mà là cái “nắng mới lên” của buổi bình minh.
- Câu thơ có 2 từ “nắng” khiến cho không gian đầy màu sắc, ngập tràn ánh sáng tinh khôi, trong trẻo.
- Điểm nhìn của tác giả là từ trên cao xuống, từ xa đến gần với cái nhìn bao quát.
- Trước vẻ đẹp của khu vườn thì Hàn Mặc Tử đã phải thốt lên: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
- Tính từ “mướt quá”: gợi lên vẻ mềm mại, non tơ, mỡ màng đầy nhựa sống của cây cỏ hoa lá.
- So sánh “xanh như ngọc”: khu vườn được gợi tả tỏa ra ánh sáng lung linh, tạo cảm giác non tươi, dễ chịu, tràn đầy sức sống.
- Câu thơ này không chỉ đem tới cho chúng ta cảm nhận về thị giác mà mà còn gợi lên cảm giác như được chạm vào những chiếc lá mượt mà.
- Hình ảnh con người đã xuất hiện trong câu thơ thứ tư: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
- Câu thơ này có nhiều cách hiểu khác nhau: có người thì cho rằng “mặt chữ điền” chính là gương mặt của người con gái đã mời Hàn Mặc Tử về chơi thôn Vĩ. Thế nhưng cũng có người nói rằng đó chính là tác giả trong cuộc hành hương trong tâm tưởng, Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn nổi danh là chàng trai tài hoa xứ Huế. Dường như tác giả muốn yêu một tình yêu đắm say, trong trắng thì phải trở lại là con người của quá khứ hay nói đúng hơn là quên mình của hiện tại với căn bệnh hiểm nghèo.
- Hình tượng “lá trúc che ngang” càng cho thấy gương mặt chữ điền với nét phóng khoáng, ngang tàn của người đàn ông bởi trong quan niệm xưa thì lá trúc là biểu hiện cho người quân tử.
Phân tích khổ thơ thứ hai
Những cảnh quê hương xứ Huế trong buổi chiều tối với những gam màu trầm lắng sẽ được vẽ ra trước mắt với 4 câu thơ buồn khổ thứ hai. Ẩn chứa trong từng sự là những nghịch lý, trái tự nhiên.
- “Gió theo lối gió mây đường mây” – Câu thơ này không chỉ là nghịch lý mà nó còn chứa đựng sự trớ trêu, chia cắt biệt ly.
- “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” – lẽ thường gió thổi làm hoa bắp lay thì theo đó sóng nước cũng gợn lay động thế mà dòng nước ấy lại đứng im, nó chẳng khác nào đôi lứa ở gần nhau mà không có sự đồng điệu, có sự chia phôi.
- Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ nhớ thương, xa cách, phảng phất nỗi buồn về sự tiễn biệt chia ly.
- Nếu như ở khổ đầu tiên chúng ta cảm nhận một tình yêu tuyệt vời sắp nảy nở thì nở thì cho đến khổ thơ này lại gặp một cuộc tình chia phôi tan nát.
- “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
- Trong thơ Hàn Mặc Tử hình tượng trăng xuất hiện rất nhiều, trăng luôn là biểu tượng cho hạnh phúc. Câu thơ tràn ngập ánh trăng bởi quá khát khao hạnh phúc.
Phân tích khổ thơ thứ ba
- “Mơ khách đường xa khách đường xa” – Người thi sĩ buồn cho số phận ngắn ngủi, dang dở ước mơ nhưng rồi lại tiếp tục sống với khao khát.
- Hình ảnh “khách đường xa” được tác giả nhấn mạnh 2 lần đã nói lên nỗi nhớ thương, sự trông ngóng của tác giả dành cho người thương.
- “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Tác giả ngây ngất, choáng ngợp trước sự thanh khiết, trong trắng, cao quý của người yêu.
- “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
- Cảnh kinh thành Huế đã được tả thực, con người nhòa đi trong màn sương khói đó và có thể tình người cũng nhòa đi.
- Câu hỏi tu từ đã cất lên một tiếng tự vấn, ngậm ngùi của một trái tim khao khát với tình yêu thế nhưng có quá nhiều trở ngại gian truân.
- Hai đại từ “ai” có nhiều cách hiểu, nó ẩn chứa bao câu hỏi đằng sau, càng hỏi càng tuyệt vọng.
- Hàn Mặc Tử càng tha thiết với tình yêu đậm đà thì càng thấy sự tuyệt vọng, đổ vỡ.
Hướng dẫn viết kết bài tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ
Mọi sự tuyệt vọng đều làm chúng ta bi quan thế nhưng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại khơi cho chúng ta ánh sáng, sự mãnh liệt khao khát. Người thi sĩ nhờ có tình yêu mà được tiếp thêm nghị lực, có sức chiến đấu trong cả những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Chính giá trị nhân văn ấy đã giúp tên tuổi của Hàn Mặc Tử được khẳng định và khiến tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.
Qua mẫu phân tích Đây thôn Vĩ Dạ trên đây của Tusach Tinh Hoa hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu quý để học tập tốt hơn. “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ hay về con người, cảnh sắc cũng như nỗi niềm tâm trạng đau đáu, khắc khoải của tác giả. Nó sẽ luôn là hành trang tinh thần lớn lao gắn bó với người yêu thơ ca, văn chương Việt Nam.