Không gia đình – Hector Malot
Hãy giữ trái tim yêu thương khi còn có thể. “Không gia đình” là tiểu thuyết kinh điển văn học Pháp, được viết nên bởi đại tác gia Hector Malot. Cuốn sách được xuất bản vào thế kỷ 19, đến thời điểm hiện tại vẫn khẳng định được chỗ đứng trong văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung.
“Khi mọi việc yên ổn thì ta cứ cặm cụi đi trên con đường của ta, ko thèm quan tâm đến những kẻ đi cùng với ta. Nhưng khi mọi việc đều chẳng ra gì, khi ta cảm thấy gặp bước gian truân, nhất là khi ta đã già nua và ko tin vào ngày mai nữa, thì ta lại cần dựa vào những người xung quanh ta”. Đó là câu nói mà cụ Vitalis đã nói với Remi khi cả hai phải chia tay nhau ở Paris. Tại sao lại là cụ Vitalis đầu tiên? Bởi tôi có một sự ấn tượng mạnh, cảm phục và một phần xót xa đối với người danh ca vang bóng một thời này. Cụ Vitalis là người từng trải, khôn ngoan và cụ cũng yêu thương Remi hết mực. Cụ dạy em những nét chữ đầu tiên trong cuộc đời, cụ dạy em những bài nhạc để kiếm sống, nhưng trên hết, cụ dạy em cách sống, cách làm người. Hãy tự mình kiếm sống, biết suy nghĩ, khôn ngoan nhưng phải có lòng tự trọng của một quân nhân chân chính. Đừng để miếng ăn, của cải làm loá mắt, mà làm điều xấu trái với lương tâm mình, trái với pháp luật và đạo đức xã hội, phải trở thành một người chính trực, giàu lòng yêu thương. Điểm hạn chế lớn nhất của người đàn ông giàu lòng tự trọng này đó là cụ có đôi phần ích kỷ, gánh hết mọi thứ vào người và ko tin vào lòng tốt của xã hội. Tuy nhiên, điều đó cũng dễ hiểu vì chính bản thân cụ đã từng trải qua quá nhiều gian truân, quá nhiều thử thách, từ một danh ca nổi tiếng xuống làm một ông chủ đoàn xiếc thú rong. Dù vậy, trong cụ vẫn luôn tràn ngập tình yêu thương sâu đậm với Remi – cậu học trò bé nhỏ, cụ gần như đã coi Remi là con trai mình. Đến tận khi cuối đời, cụ vẫn bảo bọc, chăm lo cho Remi hết mực chân thành, cụ đã dẹp bỏ sự ích kỷ của bản thân để giúp Remi được trở về với gia đình thực sự của em. Mãi sau này, Remi mới biết được thân phận thực sự của cụ, và càng yêu mến ông hơn cả. Cụ Vitalis chính là người thầy, người cha chân chính đầu tiên của Remi, người có công lớn nhất trong việc xây dựng nên sự trưởng thành của con người Remi. Trở lại với chú bé Remi -nhân vật chính của tiểu thuyết. Remi ra đời và có một tuổi thơ khốn khổ. Bị bỏ rơi từ lúc mới sinh ra, đến khi đủ nhận thức thì lại đau đớn nhận ra rằng bấy lâu nay người đã ôm ấp, chăm sóc dẫu cuộc sống có khốn khổ nhưng vẫn luôn dành cho em món súp thơm ngon là mẹ nuôi. Em đau khổ khi bị bố nuôi đem bán cho một ông bầu xiếc thú, buộc phải ra đi mà ko được nói lời từ biệt với người má em yêu thương. Em bị kẹt trong hầm mỏ, bơ vơ ko nơi nương tựa… Nhưng điều kỳ lạ là, những sự bầm dập này ko thể vùi dập em, ngược lại, chúng còn dẫn dắt em, rèn luyện em cả về trí tuệ lẫn tâm hồn, là đòn bẩy giúp em trưởng thành, tự đứng vững trên đôi chân mình. “Tôi còn trẻ, nhưng tôi đã làm chủ cuộc đời mình”, đến nay, có người trẻ nào ở độ tuổi của em có thể thốt ra được câu nói đó? Trải qua muôn ngàn gian nan, khổ sở, nhưng nhân cách em ko hề thay đổi. Em luôn luôn ghi nhớ lời dạy của cụ Vitalis: chính trực, kiêu hãnh, và luôn ngẩng cao đầu trước mọi khó khăn, sóng gió cuộc đời. Và cuộc đời cũng đã trả lại cho em trái ngọt sau bao gian khổ, em tìm lại được người mẹ ruột và em trai của mình, tìm được gia đình thật sự của em. Còn đối với những người đã từng đối xử độc ác với em, em cũng chẳng hề có ý định trả thù. Em chỉ nói đơn giản: “Đền tội ở chỗ chú con là xưa nay bỏ tất cả để chạy theo tiền tài, bây giờ phải sống dựa vào những người mà ông ta đã hành hạ và muốn cho chết đi” khi mọi người hỏi em về ông chú độc ác James Miligan. Cuối cùng, cũng như bao chuyện dành cho trẻ thơ khác, cuốn sách kết thúc có hậu với tất cả các nhân vật, đồng thời cũng để lại cho người đọc bao suy nghĩ về cuộc đời. Tôi thật sự ấn tưởng bởi các câu nói của cụ Vitalis, trong đó có câu: “Nghịch cảnh là ở chỗ người ta phải xa nhau ở những giờ phút mà người ta mong được ở gần nhau nhất”. Đúng vậy, có gì đáng sợ bằng sự cô đơn mất phương hướng, lạc lối trên con đường mà ko biết rồi sẽ đi về đâu?
Kết luận: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thái độ sống tích cực luôn quan trọng. Hãy yêu lấy những thứ mà chúng ta đang có, trân trọng nó vì ngoài kia, còn rất nhiều người có hoàn cảnh đau khổ và bất hạnh hơn ta gặp phải rất nhiều. Họ vẫn sống, vẫn vươn lên, có thể cuộc sống hiện tại của họ khổ nhưng con cháu họ sẽ tốt lên từng ngày.
Lao động là vinh quang – lang thang là chết đói. Hãy lao động một cách chân chính, nét đẹp trong lao động luôn được ca ngợi. Đó cũng chính là giá trị của bản thân đối với xã hội. Hãy tự lập hỡi các bạn trẻ. Hãy tự đi trên chính đôi chân của mình và yêu thương những người xung quanh.